Đường dây nóng của Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM luôn 'nóng'
(VOVTV) - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau một tuần khánh thành, Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 do đơn vị phụ trách tại Bệnh viện Dã chiến 16 (đường Đào Trí, Quận 7, TP.HCM) đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng. Liên tục những ngày qua, đường dây nóng tại đây không ngừng nhận các cuộc gọi hỗ trợ, nhận bệnh.
Trong số 200 ca Covid-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 Bệnh viện Dã chiến 16, hiện có 20 ca đã hồi phục, chuyển nhẹ dần. Để thuận tiện nhất cho công tác phân loại và tiếp nhận các bệnh nhân nặng, Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 Bạch Mai công khai điện thoại đường dây nóng là: 0787.515.940 và 028.35 358 553.
Tại đây, ở từng phòng cấp cứu đều có chuông báo động và các hoạt động được kết nối với trung tâm điều hành qua hệ thống camera nhằm kịp thời nắm bắt chuyển biến của bệnh nhân để điều trị hợp lý. Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu vào nhiều cùng một lúc thì sẽ huy động tối đa lực lượng để ứng phó.
Về nhân lực, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào 250 y bác sĩ hàng đầu về hồi sức tích cực, cùng nhiều chuyên gia từ hàng loạt cơ sở y tế khác. Trong vài ngày tới sẽ có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng từ các nơi chi viện đến. Tổng quy mô Bệnh viện Dã chiến 16 là gần 3.000 giường, trong đó có 500 giường hồi sức tích cực.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Sơn, để đáp ứng số lượng 500 giường này thì vẫn cần bổ sung thêm nhân lực, nhất là về lĩnh vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Bệnh nhân Covid-19 có đặc thù chuyển biến nhanh nên hiện tại các y bác sĩ đều phải tăng công suất.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn chia sẻ, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đã đến rất nhiều "chiến trường" để chống dịch Covid-19, nhưng tại TP.HCM có số lượng bệnh nhân và quy mô nhiễm bệnh cực lớn nên vô cùng trăn trở: "Làm thế để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất, cứu được nhiều bệnh nhân nặng nguy kịch nhất. Đó là đòi hỏi mà cũng là khát khao.
Cái lo thứ 2 của chúng tôi là khi phải điều trị bệnh nhân nặng nhiều mà có những ca không qua khỏi thì tâm lý nhân viên y tế sẽ bị đè nặng, thế nhưng mà điều đó đã không xảy ra, anh em tâm lý vẫn hừng hực".
Tin nổi bật
Tin Video