Được - mất sau 1 tuần Facebook ngừng chia sẻ nội dung tin tức tại Australia
(VOVTV) - Việc ngừng chia sẻ nội dung tin tức tại Australia được đánh giá là chiến thuật mà Facebook sử dụng nhằm gây sức ép với Chính phủ cũng như các cơ quan báo chí. Vậy sau 1 tuần, các bên đã được và mất những gì?
Chính phủ Australia
Việc Quốc hội Australia nhanh chóng thông qua Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức để đưa văn bản này trở thành luật là thắng lợi rất lớn đối với Chính phủ Australia. Vì khi đưa các quy định này trở thành luật sẽ tạo ra sự ràng buộc nghĩa vụ về mặt pháp lý và buộc các công ty công nghệ trong đó có Google và Facebook phải có trách nhiệm. Đây là điều mà chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới làm được cho đến lúc này, ngoại trừ Australia.
Sự ra đời của Bộ quy tắc này cũng buộc các nền tảng công nghệ phải đàm phán với các cơ quan báo chí Australia nếu không muốn bị Chính phủ chỉ định đàm phán và hậu quả có thể là đưa vụ việc ra cơ quan trọng tài nếu các bên không đạt được thỏa thuận.
Điều này cũng có nghĩa là các cơ quan báo chí của Australia (có thể chỉ là các cơ quan lớn) chắc chắn sẽ nhận được những khoản tiền chi trả từ các công ty công nghệ, cho dù có thể nhiều hoặc ít.
Tuy vậy, vì phải nhượng bộ Facebook để đổi lại việc nền tảng này đồng ý khôi phục lại việc chia sẻ tin tức nên Bộ quy tắc mà Quốc hội Australia vừa thông qua không thể giúp chính quyền nước này kiểm soát chặt chẽ các nền tảng như cách mà Chính phủ nước này mong muốn trước đó và vì thế các cơ quan báo chí Australia, đặc biệt là các cơ quan báo chí nhỏ có thể không nhận được những khoản tiền như mong muốn từ Facebook.
Lợi ích mà Facebook thu được
Không khó để thấy rằng việc bất ngờ ngừng chia sẻ tin tức là chiến thuật đã mang đến thành công cho Facebook trong việc gây sức ép buộc Chính phủ Australia phải sửa đổi 4 nội dung trong dự thảo Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức cho dù đã được Hạ viện thông qua và đang được Thượng viện xem xét. Đó là: Công nhận đóng góp của các nền tảng cho các cơ quan báo chí và ngược lại; Australia phải thông báo trước 1 tháng cho các công ty công nghệ nếu họ được chỉ định tham gia đàm phán với các cơ quan báo chí; cho phép các nền tảng được lựa chọn và đàm phán riêng với từng cơ quan báo chí và trọng tài là cơ chế giải quyết tranh chấp cuối cùng, sau khi các bên đàm phán 3 tháng và hòa giải 2 tháng mà không đạt được kết quả.
Tiến sĩ Benedetta Brevini đánh giá đây là những thắng lợi lớn đối với Facebook khi họ có khoảng thời gian thương lượng được xác định rõ ràng trước khi đi đến giải pháp cuối cùng là đưa ra cơ quan trọng tài.
Quy định về việc được lựa chọn cơ quan báo chí để đàm phán cũng sẽ giúp Facebook giảm bớt sức ép trong khi thương lượng và có thể giúp nền tảng này trả ít tiền hơn hoặc cũng có thể từ chối đàm phán trả tiền cho các cơ quan báo chí mà không mang lại nhiều lợi ích cho Facebook, trong đó có các cơ quan báo chí nhỏ.
Việc Bộ quy tắc khẳng định đóng góp của các công ty công nghệ đối với các cơ quan báo chí cũng là nền tảng quan trọng giúp Facebook không bị ép phải trả nhiều tiền cho các cơ quan báo chí.
Ngừng chia sẻ tin tức của các cơ quan báo chí cũng khiến cho các cơ quan báo chí và người dân cũng như Chính phủ không chỉ ở Australia mà còn các quốc gia khác thấy được tầm quan trọng của Facebook trong đời sống xã hội, qua đó khẳng định nền tảng này là công cụ tiếp nhận thông tin quan trọng của nhiều người dân nước này.
Việc Facebook cứng rắn với Australia sẽ trở thành thông điệp để các quốc gia khác nhìn vào và giúp nền tảng này tránh bị Chính phủ các nước khác ép quá mức nếu không muốn nền tảng này lặp lại những hành động tương tự.
Facebook đã mất gì?
Rõ ràng là uy tín của Facebook tại Australia đã sụt giảm mạnh trong sự kiện vừa qua. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã khẳng định, hành động của Facebook là "ngạo mạn và đáng thất vọng" trong khi Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg khẳng định hành động này đã làm sụt giảm uy tín của Facebook.
Không chỉ chính trị gia, người dân Australia cũng sốc và không hài lòng với các hành xử của Facebook. Cuộc điều tra của GrowthOps đối với 500 người sử dụng Facebook tại Australia cho thấy, 56% người cho rằng quyết định của Facebook là không công bằng trong khi 36% đe dọa sẽ rời khỏi nền tảng này nếu Facebook không khôi phục lại việc chia sẻ tin tức. Hơn 50% số người tham gia cuộc điều tra này cũng cho rằng, các nền tảng công nghệ như Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí vì đã chia sẻ tin tức của họ.
Hành động này của Facebook sẽ càng làm gia tăng số người không có thiện cảm với nền tảng này.
Vụ việc xảy ra cũng là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ cho các cơ quan báo chí mà cho cả bất kỳ các cơ quan, tổ chức nào đang phụ thuộc quá nhiều vào Facebook. Đồng thời, vụ việc cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng vô cùng lớn, vượt qua biên giới quốc gia và tầm kiểm soát của các chính phủ của các công ty công nghệ. Từ sau vụ việc này, không chỉ các cơ quan báo chí mà các các tổ chức, cá nhân khác cũng sẽ phải tính đến các phương án để giảm thiệt hại khi quá phụ thuộc vào Facebook.
Như vậy có thể thấy, mặc dù vụ việc chỉ diễn ra trong 1 tuần nhưng ảnh hưởng của vụ việc này là không nhỏ và quan trọng hơn là nó không chỉ tác động đến Australia mà còn để lại nhiều bài học cho các quốc gia khác.
Tin nổi bật
Tin Video