Dừng cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2, châu Âu đối mặt nhiều rủi ro khó lường
Đã có những câu hỏi đặt ra rằng, khi mùa đông đến, liệu châu Âu có đủ năng lượng để cung cấp cho các doanh nghiệp cũng như đảm bảo sưởi ấm cho các tòa nhà và hộ gia đình hay khi khi mà cuộc cạnh tranh giành nhiêu liệu trên toàn cầu ngày càng nóng?
Tổng thống Nga Putin đã cam kết sẽ giúp đổ đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung và căng thẳng chính trị tiếp tục làm chao đảo thị trường năng lượng trong khu vực. Điều đó đã khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn và họ buộc phải đưa ra mức giá cao đối với khách hàng. Giá khí đốt tăng cao không chỉ gây ra gánh nặng cho người dân mà còn đè nặng lên sự phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thị trường năng lượng châu Âu đã có nhiều biến động sau khi Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) ngày 16/11 thông báo tạm đình chỉ tiến trình phê duyệt dự án vì công ty vận hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp Đức. Nếu dự án không được phê duyệt, khí đốt từ Nga sang Đức sẽ không thể vận chuyển qua đường ống này.
Giá khí đốt tự nhiên giao ngay tại châu Âu đã tăng gần 18% vào ngày 16/11 và tiếp tục nhảy vọt vào ngày 17/11. Giá bán buôn tại Anh cũng tăng mạnh. Hiện mức giá này đang hướng đến mức kỷ lục được ghi nhận vào đầu tháng 10, khi một số nhà máy ở EU và Anh phải đóng cửa vì hoạt động không có lợi nhuận.
Cơ quan điều hành năng lượng của Đức cho biết sẽ đình chỉ quá trình phê chuẩn Dòng chảy phương Bắc 2 cho tới khi nào đơn vị điều hành dự án tại Thuỵ Sĩ chuyển đủ những tài sản quan trọng và nhân lực cho công ty con tại Đức – một quyết định mà giới phân tích cho là sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt năng lượng tại châu Âu. Đã có những câu hỏi đặt ra rằng, khi mùa Đông đến, liệu châu Âu có đủ năng lượng để cung cấp cho các doanh nghiệp cũng như đảm bảo sưởi ấm cho các tòa nhà và hộ gia đình hay khi khi mà cuộc cạnh tranh giành nhiêu liệu trên toàn cầu ngày càng nóng?
Các chiến lược gia tại Goldman Sachs cho biết: “Tiến trình vận hành đường ống thuộc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nhiều khả năng lâu hơn so với dự đoán ban đầu của chúng tôi”. Trước đó, họ cho rằng đường ống này có thể đi vào hoạt động từ tháng 2/2022.
Với viễn cảnh như vậy châu Âu không thể trông chờ vào việc thúc đẩy nguồn cung trong những tháng tới. Ông Carlos Torres Diaz – người phụ trách mảng thị trường năng lượng và khí đốt của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) đánh giá: “Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án có thể làm thay đổi cuộc chơi về cung cấp khí đốt ở châu Âu và giúp mở rộng quy mô nguồn cung. Vì thế, sự chậm trễ trong việc vận hành dự án này sẽ khiến cuộc khủng hoảng kéo dài qua mùa Đông”.
Tầm quan trọng của Dòng chảy phương Bắc 2
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm khoảng 40% lượng khí mà khối này nhập khẩu. Mặc dù thời gian gần đây, EU tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, nhưng sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga vẫn không thay đổi.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 – tuyến đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic - bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9/2021. Dù được thiết kế để cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga đến châu Âu nhưng dự án vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Ukraine và Ba Lan với lý do lo ngại sự gia tăng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Trước đây, từng có nhiều suy đoán cho rằng, quá trình cấp phép có thể được đẩy nhanh khi giá khí đốt tại châu Âu gia tăng do ảnh hưởng của thời tiết và nhu cầu khí đốt tăng vọt khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được dỡ bỏ. Phát biểu với Financial Times, ông Jeremy Weir, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh năng lượng Trafigura cho biết: “Hiện tại, chúng tôi không có đủ khí đốt. Vì vậy, chúng tôi rất lo ngại tình trạng mất điện có thể xảy ra liên tục tại châu Âu trong mùa Đông”.
Ông Nikos Tsafos, một chuyên gia về năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định, vẫn chưa rõ việc cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 2 có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng trong những tháng tới hay không, song việc trì hoãn cấp phép làm gia tăng lo ngại Nga sẽ không đi xa hơn các điều khoản trong hợp đồng sẵn có với châu Âu vào thời điểm khó khăn như vậy.
Còn chuyên gia Henning Gloystein của Eurasia Group cho rằng, dự án đang bị tác động bởi những căng thẳng về mặt chính trị. “Bằng cách dừng cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2, các cơ quan quản lý của Đức và có thể là chính phủ sắp tới của nước này cho thấy họ không sẵn sàng cúi đầu trước sức ép của Nga. Đây cũng là tín hiệu gửi tới các đồng minh của Đức như Mỹ và Ba Lan rằng, Berlin không phớt lờ những lời chỉ trích của họ đối với dự án”.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Những diễn biến mới này đã làm lu mờ triển vọng hồi phục của châu Âu trong thời gian tới. Nhiều tổ chức chống đói nghèo và các nhà vận động môi trường cảnh báo, hàng triệu người trên khắp châu Âu sẽ không đủ khả năng sưởi ấm cho ngôi nhà của họ trong mùa Đông này do giá khí đốt và giá điện tăng vọt.
Nghiên cứu gần đây do giáo sư Stefan Bouzarovski tại Đại học Manchester cho biết, có tới 80 triệu hộ gia đình trên khắp châu Âu đang phải vật lộn để giữ cho ngôi nhà của họ đủ ấm trước đại dịch. Giá khí đốt tăng cao ở thời điểm hiện nay có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, mặc dù chính phủ các nước đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để bù đắp chi phí và không chế việc tăng giá. Công ty Rystad Energy dự đoán rằng, sự trì hoãn hoạt động của Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn sẽ ảnh hưởng đến thị trường năng lượng châu Âu sau thời điểm mùa Đông và khiến cuộc cạnh tranh khí đốt kéo dài hơn.
Đánh giá của Rystad Energy cho biết: “Châu Âu có thể bị buộc phải tiếp tục phụ thuộc vào thị trường khí đốt tự nhiên vốn đã eo hẹp. Giá khí đốt nhiều khả năng tiếp tục tăng cao trong nửa đầu năm tới nếu nguồn dự trữ tại châu Âu cạn kiệt”.
Nhiều người hy vọng sẽ không xảy ra một cơn bão lớn trong mùa Đông đe dọa rút cạn nguồn dự trữ khí đốt của châu Âu. Bởi “ngày tận thế về năng lượng” – mất điện hoặc nhiệt trên toàn khu vực khi trữ lượng khí đốt về 0, có thể gây ra thảm kịch đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương trên khắp châu Âu – giống như những gì từng xảy ra tại bang Texas của Mỹ khi một cơn bão lớn trong mùa Đông gây mất điện trên diện rộng, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Tin nổi bật
Tin Video