Dùng bằng giả của Đại học Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ
Bộ Công an xác định Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho 193 cá nhân. Trong đó, 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra bản kết luận điều tra vụ cấp gần 200 bằng giả xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Qua đó, cơ quan chức năng đề nghị VKSND Tối cao truy tố Dương Văn Hòa (37 tuổi, cựu hiệu trưởng của trường) và 9 bị can về tội Giả mạo trong công tác.
Theo kết luận, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, các bị can đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.
Tài liệu điều tra xác định các bị can đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Song, cơ quan chức năng chỉ tìm được 217 cá nhân có thông tin để xác minh (trong đó một người đã chết).
Trong số này, 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp. Toàn bộ bằng giả do bị can Dương Văn Hòa ký theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT nhà trường, đang bị truy nã). Cảnh sát đã thu được 177 bằng giả.
"Trong số 193 bằng giả, chỉ có thông tin về trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng", kết luận điều tra nêu.
Đối với 193 người được các bị can cấp bằng cử nhân giả, 60 trường hợp đã sử dụng bằng cho nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
"Một trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, một trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, một thi tuyển công chức và 2 người kê khai hồ sơ cán bộ", cơ quan điều tra công bố.
Đáng chú ý, một trường hợp sử dụng bằng giả được cấp để xét tuyển thạc sĩ nhưng sau đó, người này tố cáo hành vi sai phạm của các bị can. Sau khi làm rõ vụ việc, nhà chức trách đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ sử dụng bằng giả.
Kết quả điều tra cũng làm rõ để có phôi in bằng giả, tháng 10/2018, bị can Trần Kim Oanh (cựu hiệu phó) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả quyết định về việc công nhận 486 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2. Sau đó, văn bản giả được gửi đến Bộ GD&ĐT, đề nghị mua 486 phôi bằng thật.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra nhận định hàng loạt lãnh đạo và cán bộ Đại học Đông Đô đã làm trung gian, giới thiệu nhiều cá nhân cho nhà trường cấp bằng giả. Hành vi của những người liên quan có dấu hiệu đồng phạm với 10 bị can trên.
"Tuy nhiên, số người này không có vai trò khởi xướng, quyết định việc cấp bằng giả, không tham gia quá trình cấp bằng và không hưởng lợi nên không cần thiết phải xử lý hình sự", kết luận chỉ ra.
Đề cập trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT liên quan vụ án, cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2.
Song từ năm 2015, trường đã được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin điện tử của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2.
Bộ Công an đánh giá một số cá nhân công tác tại Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT liên quan việc đăng tải đề án nói trên có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật.
"Cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra đã tách ra để xem xét, xử lý sau", kết luận điều tra nhấn mạnh.
Kết luận điều tra nêu bị can Trần Khắc Hùng có vai trò chủ mưu trong việc chỉ đạo các bị can ký cấp bằng giả cho 193 cá nhân không qua tuyển sinh. Ông Hùng và nhóm cựu cán bộ Đại học Đông Đô đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ GD&ĐT trong quản lý tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2.
Cựu Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô và các bị can cũng lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi phạm pháp. Vụ án được đánh giá "có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục".
Trần Khắc Hùng bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra với bị can này, khi bắt được sẽ xử lý sau.
Tin nổi bật
Tin Video