Đức Hòa - Long An: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại dự án Dragon Pearl
(VOVTV) - Dự án Dragon Pearl dù chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa kiện toàn pháp lý nhưng chủ đầu tư đã bắt tay với đơn vị phân phối đã rao bán, huy động vốn từ khách hàng. Đáng nói, chủ đầu tư có dấu hiệu xây dựng không phép nhà điều hành tại dự án.
Dự án khu dân cư Đức Hoà Đông toạ lạc tại tỉnh lộ 10, xã Đức Hoà Đông, huyện Đức Hoà, Long An và do Công ty CP BĐS Đức Hòa Đông làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư BĐS Phúc Thịnh (Địa ốc Phúc Thịnh) là đơn vị phát triển, phân phối dự án. Dự án được các đơn vị trên rao bán với tên thương mại Khu dân cư Dragon Pearl.
Dragon Pearl có quy mô hơn 48 ha với 1.768 lô nền và 1 khu chung cư. Trong đó, 180 lô biệt thự song lập, 1.588 lô nhà liền kế, 178 căn hộ chung cư dạng nhà ở xã hội.
Theo hồ sơ, khu dân cư Đức Hoà Đông được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 29/1/2019 của UBND tỉnh Long An; Quyết định số 2798/QĐ-UBND ngày 5/8/2019 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đồng thời, dự án cũng đã có phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Cổ phần Bất động sản Đức Hoà Đông thuê đất và giao đất (đợt 1) và Giấy phép xây dựng số 170/GPXD ngày 5/3/2021.
Cũng theo Quyết định số 8123/QĐ-UBND tỉnh Long An về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Đức Hòa Đông yêu cầu, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và xây dựng nhà ở để bán.
Đáng nói, ghi nhận thực tế, vị trí tại khu đất được giới thiệu là dự án Dragon Pearl vẫn chưa hoàn thành xây dựng hạ tầng, xung quanh dự án còn tồn đọng nhiều đầm lầy, chưa đủ điều kiện bán hàng theo luật định.
Thế nhưng, qua tìm hiểu, dự án đã được chủ đầu tư và các đơn vị phân phối rao bán rầm rộ từ mạng xã hội đến treo biển quảng cáo. Đồng thời, những đơn vị này tiến hành huy động vốn dưới hình thức đặt cọc, thu tiền của khách hàng thông qua giao dịch "Giấy xác nhận tiền thanh lý"; "Phiếu đăng ký tìm hiểu thông tin".
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đổng Mây Hồng Trúng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: "Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, các loại hợp đồng có tên như: Hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay, thoả thuận giữ chỗ thiện chí... là hợp đồng dân sự, phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên khi tiến hành ký kết."
"Như vậy, mặc dù khi ký kết các hợp đồng có tên nêu trên là dựa trên sự tự nguyện của các bên nhưng xét về nội dung thì có thể đã vi phạm các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở… vì thế có thể nói các hợp đồng này bất hợp pháp và việc chủ đầu tư thông qua các sàn môi giới để thu tiền từ khách hàng tại dự án trên là trái quy định pháp luật", Luật sư Trúng khẳng định.
Cũng theo Luật sư Trúng, tại Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở thì phải có biên bản nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án (đối với nhà ở liền kề/thấp tầng) và chủ đầu tư phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán; phải có thông báo đủ điều kiện bán của Sở Xây dựng hoặc hết thời hạn mà Sở Xây dựng không trả lời thì mới được phép bán.
Ngày 5/3/2021, Sở Xây dựng tỉnh Long An đã cấp phép xây dựng cho Công ty CP BĐS Đức Hòa Đông được phép xây dựng công trình hạ tầng kỷ thuật Khu dân cư Đức Hòa Đông (đợt 1). Trong Danh mục các hạng mục công trình được cấp phép xây dựng bao gồm các hạng mục như: San nền, hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp điện và chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống cây xanh.
Do đó, nếu chiếu theo giấy phép xây dựng trên thì công trình nhà điều hành không nằm trong danh mục các hạng mục được cấp phép xây dựng.