Dự thảo kế hoạch hòa bình 15 điểm giữa Nga và Ukraine liệu có khả thi?
(VOVTV) - Theo tờ Thời báo Tài chính có trụ sở tại Anh, bản kế hoạch dự thảo 15 điểm này đề cập đến việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, cam kết không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, đồn trú vũ khí, để đổi lấy bảo đảm an ninh.
Đàm phán Nga - Ukraine vòng 4 theo hình thức trực tuyến đang diễn ra, phái đoàn đàm phán hai nước đã lần đầu tiên thảo luận về một kế hoạch tổng thể, toàn diện.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Oleksandrovych Zelensky thừa nhận, nước này không có triển vọng gia nhập NATO, và người dân Ukraine phải chấp nhận sự thật này. Còn theo người dẫn đầu phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, phía Ukraine đang dần hình thành ý tưởng trở thành một quốc gia trung lập.
Liệu bản dự thảo kế hoạch hòa bình giữa Nga và Ukraine có khả thi khi mà lập trường của cả hai bên vẫn còn khác biệt? Hãy đến với những phân tích của phóng viên Văn Thường, thường trú Đài TNVN tại Nga.
PV: Thưa anh, đến thời điểm này, Nga và Ukraine đã trải qua 4 vòng đàm phán và giới chức hai nước đánh giá, đàm phán đang trong giai đoạn quan trọng và có cơ hội đạt được thỏa hiệp. Anh đánh giá thế nào về các vòng đàm phán vừa qua giữa hai bên?
PV Văn Thường: Nga và Ukraine đã trải qua 4 vòng đàm phán, trong đó có ba vòng đàm phán trực tiếp và một vòng diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Ngoài ra, còn có cuộc gặp trực tiếp giữa ngoại trưởng hai nước tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Điểm tích cực qua các cuộc đàm phán là các bên đưa ra lập trường và quan điểm rõ ràng, thể hiện thiện chí và tạo điều kiện để có thể đi đến kết một thỏa thuận hòa bình.
Cố vấn của Tổng thống Zelensky Oleksiy Arestovych ( ngày 14/3) tin tưởng rằng, Ukraine có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga “không muộn hơn tháng 5, đầu tháng 5... và có thể sớm hơn nhiều là chỉ trong một hoặc hai tuần nữa”.
Trong khi đó, thành viên phái đoàn đàm phán Nga - ông Slutsky cũng cho rằng: "Theo kỳ vọng của cá nhân tôi, trong những ngày tới, tiến bộ này có thể dẫn tới tiếng nói chung của cả hai phái đoàn, trở thành các văn kiện để ký kết".
Các cuộc đàm phán ngày một có kết quả rõ ràng và tích cực hơn. Các bên thể hiện thiện chí đối thoại mang tính xây dựng và lập trường gần gũi hơn. Kết quả qua 4 vòng đàm phán đã đạt được một số tiến bộ ở một số vấn đề, nhưng không phải là tất cả.
PV: Như anh vừa thông tin, đã có một số thay đổi tích cực trong đàm phán. Theo tờ Thời báo Tài chính, Kiev và Mocsow đã có bước tiến đáng kể về một kế hoạch hòa bình gồm 15 điểm. Vậy những bước tiến này là gì? Và nó có thể thu hẹp bất đồng giữa hai bên hay không?
PV Văn Thường: Đúng là trong những ngày gần đây, truyền thông quốc tế và truyền thông Nga dẫn nguồn từ báo chí nước ngoài (tờ Financial Times) đã nói về bản dự thảo kế hoạch hòa bình 15 điểm. Tựu chung lại Bản kế hoạch dự thảo này đề cập đến việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, cam kết không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, triển khai vũ khí, để đổi lấy bảo đảm an ninh từ một số đồng minh như Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine vẫn duy trì lực lượng vũ trang, nhưng sẽ đứng ngoài các liên minh quân sự kiểu NATO.
Nhưng cần nhấn mạnh rằng đến thời điểm hiện tại cả phía Nga và Ukraine vẫn chưa xác nhận chính thức về việc chuẩn bị một kế hoạch như vậy.
Giả sử các thông tin này có cơ sở thì có thể thấy rằng, kế hoạch này mới chủ yếu cụ thể hóa quan điểm của các bên về “vị thế trung lập của Ukraine”, trong đó quan trọng nhất là việc Ukraine không gia nhập NATO. Đây là một trong những nội dung xuyên suốt mà Nga đã nêu ra trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phía Nga còn nêu 2 yêu cầu quan trọng khác là Ukraine công nhận độc lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk, từ bỏ yêu sách đòi lại bán đảo Crime; phi phát xít hóa và phi quân sự hóa.
Qua các phát biểu của cả phía Nga và Ukraine, cho thấy các bên đã đạt được tiến bộ nhất định trong việc thảo luận về vị thế trung lập của Ukraine. Còn các yêu cầu khác mà phía Nga đưa ra, rõ ràng là hai bên còn nhiều bất đồng và có thể cần phải đàm phán trong thời gian dài để tìm được tiếng nói chung.
Dù sao, bất kỳ tiến bộ nào dù là nhỏ nhất trong đàm phán giữa Nga - Ukraine cũng là tín hiệu tích cực cho hy vọng đạt được những đồng thuận mang tính bao trùm và toàn diện hơn đáp ứng mong đợi của hai bên.
PV: Mặc dù hiện cả Nga và Ukraine chưa thông tin chính thức về bản dự thảo kế hoạch hòa bình giữa hai bên, nhưng với những tuyên bố tích cực gần đây, liệu dư luận có thể kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình sẽ sớm được ký kết giữa Nga và Ukraine?
PV Văn Thường: Cho đến nay, các cuộc đàm phán đạt được một số tiến bộ tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Mặc dù vậy, hai bên đều kỳ vọng sẽ đạt được và ký kết thỏa thuận nào đó.
Dư luận cộng đồng quốc tế mong muốn và hoan nghênh nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 14/3 nhấn mạnh, các cuộc đàm phán cần sớm đem lại kết quả, đó là cho phép thực thi lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, lãnh đạo Israel, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ngoại trưởng Qatar những ngày qua liên tiếp thực hiện các chuyến thăm, cuộc điện đàm trong nỗ lực trung gian hòa giải cho Nga – Ukraine.
Điều quan trọng là các bên đã thể hiện thiện chí đàm phán, còn mức độ thỏa hiệp đến đâu vẫn là một dấu hỏi lớn. Các bên liên quan đến cuộc chiến đều gánh chịu thiệt hại nặng nề ở những mức độ khác nhau và đều mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này thông qua thương lượng, tuy rằng lập trường của các bên còn xa nhau.
Hiện còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đàm phán như tương quan lực lượng trên chiến trường, lập trường của các bên trong cuộc chiến, ý chí của lãnh đạo và sự ủng hộ của người dân, cũng như là bối cảnh quốc tế và khu vực, đặc biệt là quan điểm về đảm bảo an ninh của Nga và phương Tây.
Dù sao, những tiến bộ gần đây mang đến hy vọng về một thỏa thuận hòa bình sẽ được ký kết để chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tin nổi bật
Tin Video