Du lịch Tây Bắc sẵn sàng cho ngày mở cửa
(VOVTV) - Các địa phương Tây Bắc đã sẵn sàng cho ngày mở cửa (15/3), chào đón du khách quốc tế đến chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng bản sắc văn hóa lâu đời của các tộc người bản địa sau hơn 2 năm đình trệ vì Covid-19.
Amazing – một trong 6 khách sạn cao cấp ở Sa Pa đang mong chờ từng ngày tới giờ mở cửa vì phân khúc khách quốc tế chiếm tới 80% doanh thu của đơn vị này.
Ngoài trang hoàng cơ sở vật chất, khách sạn cũng chủ động phán đoán tình hình để kiện toàn lại nhóm nhân sự cấp cao, ngoại ngữ giỏi vì hơn một nửa trong số đó thời gian qua đã phải chuyển đổi việc làm do Covid-19.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát, địa phương không hề tuyên bố đóng cửa du lịch nên vẫn có lượng nhỏ khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Việt Nam tìm đến.
Trải qua thăng trầm cũng là cơ hội giúp Sa Pa nhìn lại và hoàn thiện mình. Từng là điểm ghé chân của du khách đến từ 74 quốc gia trên khắp thế giới, đỉnh điểm với hơn nửa triệu lượt khách quốc tế tham quan năm 2019, hy vọng khi Việt Nam mở cửa, đặc biệt là mùa cao điểm khách inbound vào cuối năm nay Sa Pa sẽ bùng nổ trở lại.
Tương tự như Lào Cai, tỉnh Sơn La cũng đã sẵn sàng cho sự kiện mở cửa du lịch. Sở hữu 3 cửa khẩu giáp Lào, cao nguyên Mộc Châu thơ mộng khí hậu ôn hòa suốt 4 mùa, cùng vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, Sơn La quyết tâm phát huy tối đa thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 500.000 lượt khách quốc tế từ nay đến năm 2025.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên được ưu đãi, Sơn La cũng như các địa phương Tây Bắc còn hút khách quốc tế bởi chính những nét văn hóa của các tộc người bản địa. 12 dân tộc Sơn La đoàn kết, sáng tạo, cần cù chịu khó, thêm lòng mến khách, 2 năm qua đã tận dụng khoảng lặng thời gian để đẩy những nét mộc mạc của bản làng thêm đậm đà, tinh tế.
Điện Biên Phủ - địa danh chuẩn bị kỷ niệm 68 năm chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào tháng 5 tới cũng hứa hẹn nhiều điều mới mẻ với du khách quốc tế. Ngoài các di tích đồi A1, hầm Đờ Cát, cầu và sân bay Mường Thanh cùng loạt cứ điểm lịch sử, một trong số điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế nhất là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã bố trí đầy đủ đội ngũ thuyết minh viên thông thạo ngoại ngữ; bức tranh Panorama về toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã cơ bản hoàn thành.
Điện Biên cũng là địa phương ở Tây Bắc tiên phong mở màn du lịch đúng dịp mở cửa bằng Lễ hội Hoa ban được đầu tư công phu. Từ nay đến cuối năm, miền cực Tây này của tổ quốc còn dự kiến tổ chức các sự kiện lớn mang ý nghĩa quốc tế khác như Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch vùng biên giới Việt – Lào lần thứ 3 và Ngày hội Văn hóa Hàn Quốc.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp không khói đã và đang khẳng định vai trò mũi nhọn kinh tế của các tỉnh Tây Bắc, được chú trọng từ chính sách địa phương đến hợp tác quốc tế, liên kết vùng.
Những dự án trọng điểm như xây mới cảng hàng không Sa Pa; nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; nâng cấp cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La) thành cửa khẩu quốc tế; đường kết nối 3 tỉnh Tây Bắc của Yên Bái, hầm xuyên đèo Hoàng Liên của Lai Châu… với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo “cú hích” mạnh mẽ cho du lịch Tây Bắc trong thời gian tới.
Trên tinh thần thích ứng, linh hoạt, đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine, bảo đảm an toàn cho du khách là trên hết, du lịch Tây Bắc chắc chắn sẽ là một trong những lựa chọn không thể bỏ qua đối với du khách bốn phương khi Việt Nam mở cửa trở lại.
Tin nổi bật
Tin Video