Kinh doanh

Dự báo nhu cầu ô tô tăng mạnh

(VOVTV) - Dự báo nhu cầu về ô tô vẫn tăng mạnh trong trung và dài hạn do tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức thấp và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên.

05/09/2022 08:15

Giới phân tích nhận định, mặc dù quý III thường là mùa thấp điểm đối với thị trường tiêu thụ ô tô của Việt Nam, nhưng do lực cầu bị dồn nén lớn, trong khi nguồn cung hạn chế do thiếu chip toàn cầu, điều này giúp doanh số tiêu thụ ô tô sẽ duy trì ổn định trong tháng còn lại của quý III trước khi bước vào mùa cao điểm vào quý IV/2022. Đáng chú ý, nhu cầu về ô tô vẫn tăng mạnh trong trung và dài hạn do tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức thấp và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên.

Dự báo nhu cầu ô tô tăng mạnh - Ảnh 1.

Tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức thấp và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, doanh số tiêu thụ ô tô trong quý III/2022 sẽ tăng trưởng mạnh. Dẫn thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công ty chứng khoán này cho biết, doanh số tiêu thụ ô tô tháng 7 đã tăng trở lại khoảng 10,8% so với tháng trước lên 24,461 chiếc, tăng 69,2% so với mức thấp cùng kỳ năm trước, khi hoạt động bán hàng trong quý III/2021 đã bị gián đoạn nặng nề do các đợt giãn cách xã hội diện rộng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Lũy kế 7 tháng năm 2022, doanh số tiêu thụ ô tô tăng 39,9% so với cùng kỳ lên 209.928 chiếc.

Theo BVSC, dù quý III thường là mùa thấp điểm đối với thị trường tiêu thụ ô tô của Việt Nam, nhưng lực cung cầu thuận lợi của năm nay. Nhu cầu bị dồn nén do dịch bệnh, trong khi đó, nguồn cung hạn chế do thiếu chip toàn cầu sẽ giúp doanh số tiêu thụ ô tô sẽ duy trì ổn định trong những tháng còn lại của quý III trước khi bước vào mùa cao điểm vào quý IV/2022.

Cụ thể, với nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao, người mua ô tô sẵn sàng đặt hàng và chờ đợi hàng tháng để nhận được đơn đặt hàng của họ. Từ đó, BVSC cho rằng việc giao các đơn đặt hàng trong quý II/2022 có thể sẽ diễn ra trong quý III/2022.

BVSC đánh giá doanh số tiêu thụ ô tô trong quý III sẽ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, một phần được hưởng lợi từ mức cơ sở quý III/2021 rất thấp.

Theo BVSC, việc bàn giao có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh số trong quý III/2022, biên lợi nhuận của nhà phân phối như CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã chứng khoán: HAX) có khả năng mở rộng và thúc đẩy đáng kể bởi việc tăng cường khả năng thương thảo như đưa ra giá bán cao hơn, cắt giảm chi phí bán hàng…, điều này giúp bù đắp nhiều hơn việc gia tăng chiết khấu để kích cầu trong ngắn hạn vào các tháng thấp điểm. Việc gia tăng bàn giao cũng cho thấy tiềm năng lợi nhuận tích cực với các nhà sản xuất ô tô.

Theo ông Nguyễn Lý Thanh Lương, chuyên gia phân tích tại SSI Research - CTCP Chứng khoán SSI (SSI), với ngành ô tô, khi thu nhập của người dân chạm đến một ngưỡng nhất định thì sẽ dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu mua xe. Việc này có tính chu kỳ 5 - 6  năm và Việt Nam đang ở trong chu kỳ đó.

Dù lạm phát tăng cao, nhưng người dân sẽ chia thu nhập thành các khoản mục như chi tiêu cho sinh hoạt, chi tiêu mua nhà hoặc xe. Hiện nay người dân có thể tiết kiệm khoản chi tiêu cho nhu cầu ăn uống để mua ô tô hoặc mua nhà. Thậm chí, họ sẽ vay thêm tiền để sở hữu một chiếc ô tô, ông Lương nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia này, sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô còn kéo theo sự phát triển của các ngành công phụ trợ khác.

Ông Lương lấy ví dụ như ở Thái Lan hay Indonesia, các nước này định hướng phát triển về số lượng xe. Khi phát triển đến một mức đủ lớn, các doanh nghiệp phụ trợ cho xe ô tô sẽ thâm nhập thị trường các nước này để sản xuất vỏ ngoài, phanh, đèn... Hiện tại thị trường Việt Nam đang thu hút được những doanh nghiệp như vậy. Ông Lương kỳ vọng rằng các doanh nghiệp này tiến vào Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành ô tô.

Theo SSI, nhu cầu ô tô của Việt Nam sẽ tăng trưởng vừa phải, ở mức 11% so với cùng kỳ vào năm 2023, so với mức tăng trưởng bình quân 16%/năm của thị trường ô tô trong 5 năm qua.

Động lực tăng trưởng chính do tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam còn thấp tiếp tục kích thích người tiêu dùng mua ô tô mới, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi nhanh về công nghệ và mẫu mã, vấn đề thiếu chip có thể được giải quyết triệt để, tạo điều kiện cho nguồn cung xe tăng lên và giá bán cho người tiêu dùng giảm xuống.

SSI đưa ra dự báo khá thận trọng về triển vọng của năm 2023, nhưng vẫn lạc quan vào chu kỳ bùng nổ tiêu thụ ô tô hiện nay của Việt Nam khi so sánh với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Philippines và Indonesia.

SSI kỳ vọng nhu cầu ô tô vào năm 2023 sẽ vượt qua mức trước đại dịch, với số lượng ô tô bán ra đạt 385.000 chiếc vào năm 2023, cao hơn 14% so với 337.000 chiếc vào năm 2019.

Ngành ô tô khá nhạy cảm với việc tăng giá của các nguyên vật liệu thô liên quan như thép, nhựa dẻo, xăng dầu, thậm chí cả lãi suất cho vay tiêu dùng. Các nhà sản xuất ô tô đều gặp khó khăn nếu muốn tăng giá bán để bù đắp những chi phí đầu vào đang gia tăng này, vì đặc điểm của ngành này là có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu.

Tuy nhiên, với việc giá các nguyên vật liệu chính như thép, nhựa dẻo, xăng dầu và chất bán dẫn có dấu hiệu đạt đỉnh trong năm 2022 và đang suy yếu dần, SSI tin rằng lĩnh vực ô tô có thể nhanh chóng tăng trưởng lợi nhuận trở lại vào năm 2023.

Nhu cầu về ô tô vẫn tăng mạnh trong trung và dài hạn do tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam vẫn ở mức thấp và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên. Về lợi nhuận, biên lợi nhuận ngành ô tô có xu hướng bị siết lại trong nửa cuối năm 2022 và chỉ bắt đầu phục hồi vào năm 2023 sau khi giá vật liệu thô trở lại mức bình thường.

Do đặc điểm của ngành rất nhạy cảm với các chu kỳ thị trường, nên công ty chứng khoán này cho rằng định giá của ngành sẽ giảm mạnh, đi cùng với sự giảm sút của lợi nhuận trong ngắn hạn. Thời điểm tốt nhất để đầu tư vào lĩnh vực này sẽ là 6 tháng đầu năm 2023, khi lợi nhuận dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, SSI khuyến nghị.

Về mặt chính sách ngành ô tô, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô ở Việt Nam sẽ được bãi bỏ từ ngày 1/10/2022 sẽ phù hợp với bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Thông tư số 11/2022/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành, Thông tư này đã bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật do bộ này ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.

Cụ thể sẽ bãi bỏ Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN và bãi bỏ Thông tư số 05/2012/TT-BKHCN ngày 12/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN.

Đến nay ngoại trừ ô tô tải nhẹ, ô tô khách, các mục tiêu trên đều không đạt, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, các sản phẩm đã được nội địa hóa lại mang hàm lượng công nghệ rất thấp.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn... Điều này khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 - 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Theo một liên doanh ô tô tại Việt Nam, cùng với các hiệp định Việt Nam đã ký kết, việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật trên là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Qua đó, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước duy trì sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu được hưởng thuế suất nhập khẩu theo các hiệp định Việt Nam đã ký kết.

Thực tế, năm 2022 ngành ô tô có cả thuận lợi khi nhu cầu tăng cao, nhưng doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều khó khăn như giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng cao, giá vật liệu thô tăng phi mã. Dù vậy, nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang cho thấy triển vọng ngành khá tươi sáng.

Có thể kể đến các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong lĩnh vực này như Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: VEA), quý II/2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần  1.109 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 1.725 tỷ đồng, tăng gần 2%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của VEA đạt 2,248 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ và lãi ròng hơn 3.190 tỷ đồng, tăng 2%.

CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã chứng khoán: HAX) đạt doanh thu thuần quý II/2022 hơn 1.545 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ; lãi sau thuế 80,7 tỷ đồng, gấp hơn 13,5 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HAX đạt doanh thu thuần gần 3.207 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế gấp 2,2 lần nửa đầu năm trước, với gần 135 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cùng với sự đi xuống của thị trường chung, từ đầu năm tới nay, đa số cổ phiếu ngành ô tô giảm giá. Cụ thể, chốt phiên 31/8, cổ phiếu VEA có giá 45.300 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 4,6%, trong khi HAX giảm 11,4%, tiếp đến SVC giảm 14%, HTL giảm 14,3%, TMT không đổi so với chốt phiên giao dịch đầu năm./.

Ý kiến của bạn