Kinh doanh

Dự án The Metropole Thủ Thiêm: Từ giao đất không qua đấu giá đến lùm xùm của hàng loạt doanh nghiệp liên quan

(VOVTV) - Dự án Khu phức hợp Sóng Việt (The Metropole Thủ Thiêm) được TP.HCM chỉ định chủ đầu tư, nhưng lại không qua đấu giá đất. Nhiều doanh nghiệp liên quan dự án trên đã huy động hàng nghìn tỷ từ các nguồn nợ vay để thực hiện các thương vụ mua bán cổ phần.

Tác giả Giang Nam - Hoàng Lân
19/03/2022 10:12

Khu phức hợp Sóng Việt (tên thương mại là The Metropole Thủ Thiêm) là dự án nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, (phường An Khánh, Quận 2, TP.HCM) có diện tích khu đất khoảng 7,6 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 7.300 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Quốc Lộc Phát với cổ đông lớn là Keppel Land (Singapore) được TP.HCM giao dự án này từ năm 2017. Sau đó, Keppel Land thoái vốn khỏi dự án và SonKim Land "bất ngờ" xuất hiện với vai trò nhà phát triển dự án từ giữa năm 2018.

Dự án The Metropole Thủ Thiêm từ giao đất không cần qua đấu giá đến lùm xùm của hàng loạt doanh nghiệp liên quan - Ảnh 1.

Khu đất dự án The Metropole Thủ Thiêm

Tại thông báo Kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm số 1041/TB-TTCP ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm đối với các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất, trong đó có dự án The Metropole Thủ Thiêm.

Cụ thể, Kết luận cũng nêu rõ, đối với các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất thì, các dự án Khu Phức hợp Tháp Quan Sát và Khu phức hợp Sóng Việt được UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại hai dự án này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tính và thu tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, trong đó việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 (bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định. Theo đó, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Dự án The Metropole Thủ Thiêm từ giao đất không cần qua đấu giá đến lùm xùm của hàng loạt doanh nghiệp liên quan - Ảnh 2.

Dự án Metrople Thủ Thiêm cần xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước

Đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh có văn bản chấp thuận cho Công ty Cổ phần Quốc Lộc Phát đủ điều kiện được ký hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, 456 căn hộ thuộc Chung cư cao tầng tại lô đất 1-16 thuộc dự án Khu phức hợp Sóng Việt tại Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đủ điều kiện mở bán.

Tuy nhiên, The Metropole Thủ Thiêm có tổng chi phí thực hiện ước tính khoảng 7.273 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 75.965 m2 gồm 4 lô đất cạnh sông Sài Gòn. Khi mở bán, một số vị trí, giá cho mỗi m2 lên tới 7.900 USD. Như vậy thì con số 7.273 tỷ đồng trên hiện khó mua nổi 1 tòa tháp tại The Metropole Thủ Thiêm.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Quốc Lộc Phát chỉ mới bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2014, có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, trụ sở tại số 19, đường 31B, khu phố 5, phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Quang Hưng và Lim Kok Siang.

Sau đó, ngày 8/10/2017, Công ty CP Quốc Lộc Phát cùng Sơn Kim Land thành lập CTCP Đầu tư TTSV - chủ đầu tư dự án The Metropole Thủ Thiêm có trụ sở tại số 30 đường số 11, Phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM. Do ông Phạm Minh Trung làm đại diện theo pháp luật.

Dự án The Metropole Thủ Thiêm từ giao đất không cần qua đấu giá đến lùm xùm của hàng loạt doanh nghiệp liên quan - Ảnh 3.

Khi mở bán, một số vị trí The Metropole Thủ Thiêm có giá cho mỗi m2 lên tới 7.900 USD

Đến giữa năm 2018, Quốc Lộc Phát cùng Sơn Kim Land đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, khởi động Dự án The Metropole Thủ Thiêm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Vào giữa năm 2021, mạng lưới các doanh nghiệp liên quan đến chủ đầu tư của dự án The Metropole Thủ Thiêm dần "sáng tỏ". Theo đó, Công ty CP Địa ốc Phúc Đạt thông báo huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 48 tháng. Đơn vị thu xếp phát hành lô trái phiếu này là Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPBS) và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là bên nhận tài sản bảo đảm.

Theo thông báo gửi HNX, Phúc Đạt Land cho biết toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được sử dụng để mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Gateway Berkeley. Đây là công ty nắm giữ 99,9% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đầu tư TTSV. Trong khi đó, TTSV nắm giữ 78 triệu cổ phần của Quốc Lộc Phát. Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu cũng là quyền sử dụng đất của Công ty Quốc Lộc Phát có diện tích 11.369 m2 (tại lô đất số 1-17) thuộc dự án phát triển Khu phức hợp Sóng Việt.

Trên thực tế, Công ty Phúc Đạt và Gateway Berkeley, đều có mối quan hệ mật thiết với Sơn Kim Land – đơn vị đóng vai trò nhà phát triển dự án The Metropole Thủ Thiêm. Người đại diện theo pháp luật của cả Phúc Đạt Land và Gateway Berkeley hiện nay là ông Han Suk Jung, người Hàn Quốc. Ông Han là Tổng giám đốc của Sơn Kim Land đồng thời là lãnh đạo một loạt các công ty khác thuộc SonKim Group như Serenity Sky Villas, Highgate...

Dự án The Metropole Thủ Thiêm từ giao đất không cần qua đấu giá đến lùm xùm của hàng loạt doanh nghiệp liên quan - Ảnh 4.

Cấu trúc nguồn vốn của Quốc Lộc Phát

Một điểm đặc biệt trong cấu trúc vốn của cả ba doanh nghiệp liên quan đến The Metropole Thủ Thiêm là tỷ lệ nợ vay chiếm áp đảo trên tổng nguồn vốn.

Cụ thể, tính tới cuối năm 2020, tổng tài sản của Công ty Quốc Lộc Phát đạt hơn 8.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối ứng bên phần nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ hơn 1.530 tỷ. Theo đó, nợ phải trả của chủ đầu tư dự án The Metropole Thủ Thiêm lên tới gần 6.800 tỷ đồng.

Với Gateway Berkeley - doanh nghiệp được Phúc Đạt Land mua cổ phần trong năm 2021. Theo số liệu tìm hiểu, tổng nguồn vốn của Gateway Berkeley tính tới cuối năm 2020 đạt hơn 3.467 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn chưa tới 350 tỷ đồng. Theo đó, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.

Đối với Phúc Đạt Land tính tới cuối năm 2020 có cơ cấu tài sản tương đối cân bằng. Dù vậy, nếu tính phần phát hành trái phiếu 1.000 tỷ đồng giữa năm 2021, cấu trúc của Công ty Phúc Đạt cũng không khác Quốc Lộc Phát và Gateway Berkeley.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong lĩnh vực bất động sản vốn không phải là chuyện xưa nay hiếm, cũng là giải pháp được nhiều chủ đầu tư áp dụng để cân đối nguồn vốn. Vậy nhưng, việc sử dụng một mạng lưới doanh nghiệp để liên tục huy động vốn từ các nguồn và thực hiện các thương vụ mua bán cổ phần lằng nhằng lại "vẽ ra" một bức tranh chung nhiều rủi ro.

Thời gian qua, cuộc đấu giá 4 khu đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã cho thấy cần minh bạch về việc giao đất, chỉ định nhà đầu tư, sớm loại khả năng trao tay đất công nhờ đi "quan hệ". Nổi bật trong số đó vẫn là câu chuyện về vấn đề đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được giao cho doanh nghiệp với giá "cực rẻ" để rồi sau đó lập ra dự án và được bán với giá trên trời.
Ý kiến của bạn