ĐT Việt Nam hướng đến vòng loại cuối: Đòn bẩy cho... AFF Cup 2020
Vòng loại cuối World Cup 2022 có thể xem là mặt trận 2 trong 1 cho ĐT Việt Nam. Một mặt, đoàn quân của HLV Park Hang Seo có thể đánh giá trình độ của mình ở đâu so với mặt bằng châu Á. Mặt khác, đây sẽ là sự chuẩn bị không thể tốt hơn cho ĐT Việt Nam hướng tới mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup 2020 diễn ra vào cuối năm.
Giá trị lớn của vòng loại cuối World Cup 2022
Sau vòng loại thứ hai World Cup 2022 - khu vực châu Á, Việt Nam trở thành đội tuyển Đông Nam Á duy nhất giành quyền đi tiếp. Điều đó mang ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định vị thế số 1 khu vực của bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, trong lần đầu vào sâu đến như vậy ở vòng loại World Cup, các cầu thủ Việt Nam sẽ có dịp được đọ sức với nhiều đội tuyển mạnh hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia hay Trung Quốc, Oman.
Trong số này, Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia là những đại diện góp mặt thường xuyên tại VCK World Cup. Họ thậm chí từng có lúc tạo ra sự khó chịu với các đội tuyển hàng đầu thế giới (ví dụ Nhật Bản suýt khiến Bỉ thua cuộc ở World Cup 2018). Rõ ràng, không phải lúc nào ĐT Việt Nam cũng có thể chạm trán những đối thủ ở đẳng cấp cao như vậy. VCK Asian Cup 2019 có lẽ là dịp hiếm hoi trong 10 năm qua, Việt Nam được so tài với mật độ liên tục trước các “ông lớn” châu Á.
Vì vậy, vòng loại cuối World Cup 2022 sẽ là cơ hội để các cầu thủ Việt Nam được tôi luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ, rèn giũa kinh nghiệm và phát triển đẳng cấp lên một tầm cao hơn. Song song với đó như Xuân Trường chia sẻ, đây cũng là dịp thuận lợi để Việt Nam đánh giá được vị trí của mình trên bản đồ bóng đá châu lục.
Bước chạy đà cho AFF Cup
Ở góc độ khác, 6 trong tổng số 10 trận đấu của vòng loại cuối World Cup 2022 diễn ra trong năm 2021 là dịp rất thuận lợi để ĐT Việt Nam có bước chuẩn bị kỹ càng hơn cho AFF Cup diễn ra vào cuối năm nay. Như đã phân tích ở trên, không một đội tuyển Đông Nam Á nào có dàn “quân xanh” chất lượng và đẳng cấp cao như Việt Nam trong thời gian tới.
Bởi vòng loại thứ 3 Asian Cup 2022 dành cho Thái Lan, Malaysia, Philippines hay có thể là Indonesia (tuỳ vào thành tích thi đấu vòng play-off)… sẽ chỉ diễn ra vào năm sau nên trong 4 tháng cuối năm nay, những đội tuyển này nếu muốn rèn quân sẽ phải đỏ mắt tìm đối thủ quốc tế đá giao hữu.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc di chuyển giữa các nước như hiện tại, quả thực không dễ để nhiều đội tuyển Đông Nam Á có thể chọn “quân xanh” trình độ cao nhằm phục vụ quá trình chuẩn bị chuyên môn. Đưa ra hai sự đối lập về bối cảnh của ĐT Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á trong thời gian tới, chúng ta mới thấy sự thuận lợi của thầy trò Park Hang Seo trong bước chạy đà cho AFF Cup 2020 suôn sẻ đến nhường nào.
Một góc độ khác cũng cần được nêu ra. Đó là tính tổ chức của nội bộ các đội tuyển. Ngay từ hiện tại, HLV Park Hang Seo đã có thể khoanh vùng cơ cấu trợ lý và cầu thủ cho một chiến lược tập luyện và thi đấu đường dài từ nay đến hết năm 2021, với 2 mặt trận là vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Trong khi đó, một số đối thủ cạnh tranh chức vô địch AFF Cup với Việt Nam như Indonesia, Thái Lan chưa thể làm được như vậy.
Với Indonesia, HLV Shin Tae Young vừa phải chia tay 3 trợ lý người Hàn Quốc thân tín. Còn Thái Lan, việc chia tay HLV Nishino sẽ khiến họ phải mất thời gian định hình lại ban huấn luyện, chứ chưa nói đến việc truyền đạt triết lý, xây dựng kết cấu đội bóng trong những tháng tới.
Tin nổi bật
Tin Video