Đời sống

Đột quỵ gia tăng mạnh ở lứa tuổi 40 – 45

(VOVTV) - Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% sống sót là hồi phục hoàn toàn. Đáng lo ngại, đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh từ 40 – 45 tuổi hay thậm chí xuất hiện cả ở tuổi 20.

Tác giả PV  -  
06/05/2021 23:09

Trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai và là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba. Đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu của chứng sa sút trí tuệ và trầm cảm. 

Đột quỵ gia tăng mạnh ở lứa tuổi 40 – 45 - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế phát biểu tại lễ ra mắt Trang thông tin điện tử “Đột quỵ”

“Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% sống sót là hồi phục hoàn toàn. Đáng lo ngại, đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gia tăng mạnh từ 40 – 45 tuổi hay thậm chí xuất hiện cả ở tuổi 20. Đột quỵ ảnh hưởng chủ yếu đến các cá nhân ở giai đoạn đỉnh cao năng suất lao động. Mặc dù có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng do đột quỵ đến nay vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đánh giá.

Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ tương tự như đối với bệnh mạch vành và các bệnh mạch máu khác. Các chiến lược phòng ngừa hiệu quả bao gồm tập trung vào phòng các yếu tố chính có thể thay đổi được như hút thuốc, ít hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh và béo bụng; phòng, chống rối loạn chuyển hóa: tăng mỡ máu; phòng chống các bệnh như tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường… Sự kết hợp của các chiến lược phòng ngừa như vậy đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ ngay cả ở những nơi có thu nhập thấp.

”Để phòng, chống đột quỵ, một chiến lược quan trọng là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, để cộng đồng chủ động biết cách phòng tránh các yếu tố nguy cơ, biết các dấu hiệu sớm của bệnh để được khám, chữa bệnh kịp thời... Để thực hiện chiến lược này, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của cơ quan quản lý, các ban ngành đoàn thể, các cơ sở khám chữa bệnh mà hơn hết là vai trò của cả cộng đồng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Để góp phần đẩy lùi bệnh đột quỵ, ngày 6/5 tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) ra mắt trang thông tin điện tử về đột quỵ với tên miền ”dotquy.kcb.vn”.  Chuyên trang “Đột quỵ” được liên kết trực tiếp vào trang thông tin điện tử hiện hành của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cung cấp cho người dân những kiến thức chính xác, khách quan, hữu ích, dễ hiểu và gần gũi.

Trang thông tin gồm các chuyên mục liên quan đến bệnh lý đột quỵ từ nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng sớm của đột quỵ, cách xử trí ban đầu, phòng ngừa đột quỵ thông qua xây dựng lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị. Mục diễn đàn chia sẻ kết nối và lắng nghe câu chuyện của những người bệnh, những người chăm sóc người thân bị đột quỵ. Đặc biệt còn có chuyên mục hỏi đáp chuyên gia thông qua các buổi giao lưu trực tuyến với các bác sĩ đầu ngành.

Nội dung trên các kênh có sự tham gia đóng góp của các bác sỹ có nhiều kinh nghiệm điều trị đến từ các bệnh viện hàng đầu trên cả nước, bên cạnh việc tổng hợp từ các nguồn tài liệu khoa học tin cậy. Các thông tin trên các nền tảng này đều được phê duyệt bởi Ban Biên tập của chương trình, là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch và thần kinh. Các nội dung sẽ liên tục cập nhật để cung cấp các thông tin cần thiết và đa dạng dưới các hình thức dễ hiểu và gần gũi cho cộng đồng.

Bên cạnh chuyên trang “Đột quỵ”, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng ra mắt trang fanpage trên ứng dụng facebook và kênh youtube nhằm lan toả những thông tin hữu ích về phòng ngừa đột quỵ một cách rộng rãi nhất đến với cộng đồng./.

Ý kiến của bạn