Dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng nóng
Hai phiên điều chỉnh nhẹ chưa ảnh hưởng đến đà phục hồi của thị trường, chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn duy trì dao động trong biên độ hẹp khi dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng nóng.
Dòng tiền chuyển hướng
Thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản tiếp tục trên trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, VN-Index giảm 4,74 điểm (-0,35%) xuống 1.353,05 điểm; HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,03%) xuống 334,33 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với 867 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 24.948 tỷ đồng. Độ rộng thị trường là tích cực với 330 mã tăng, 111 mã tham chiếu, 293 mã giảm.
Thị trường giao dịch khá giằng co trong phiên 12/8 với sắc xanh và sắc đỏ đan xen nhau nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến VN-Index kết phiên ở mức thấp nhất.
Nhiều cổ phiếu lớn như: GAS (-1%), FPT (-2,4%), HPG (-1,1%), MSN (-1,9%), VNM (-0,4%), SAB (-0,7%), HVN (-0,5%), PLX (-0,7%), PNJ (-0,9%), POW (-0,9%), MWG (-2,9%), NVL (-0,3%)… cùng các cổ phiếu ngân hàng như: ACB (-1,9%), BID (-0,7%), MBB (-0,7%), VCB (-0,6%), LPB (-1,8%), HDB (-1,1%), TCB (-0,6%)… đồng loạt giảm đã tác động tiêu cực tới thị trường.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành chứng khoán, dầu khí, thép cũng chịu áp lực điều chỉnh. Nhóm cổ phiếu tăng mạnh thời gian qua như phân bón, logistic bị chốt lời mạnh và nhiều cổ phiếu thậm chí giảm sàn như: PHP (-9,9%), TCL (-7%), VNL (-6,9%), HAH (-6,9%), MHC (-6,8%), BFC (-6,9%), DPM (-6,7%)…
Ở chiều ngược lại, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm bất động sản, xây dựng với nhiều mã tăng trần như: CII (+6,7%), FCN (+6,8%), HBC (+6,7%), DPG (+7%), SSH (+14,9%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường tỏ ra gặp khó ở ngưỡng 1.370 điểm, áp lực chốt lời cũng như các nhịp rung lắc ở vùng này là hoàn toàn bình thường bởi thị trường cũng đã có hơn 2 tuần tăng liên tiếp.
“Hai phiên điều chỉnh nhẹ chưa ảnh hưởng đến đà phục hồi của thị trường, chỉ số VN-Index nhiều khả năng vẫn duy trì dao động trong biên độ hẹp khi dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu dịch chuyển khỏi các cổ phiếu tăng nóng để tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu có câu chuyện như đầu tư công, chứng khoán, ngân hàng…”, chuyên gia của MBS cho hay.
VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.325-1.350 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với hai phiên giảm liên tiếp với thanh khoản khá cao thì thị trường đang phát đi tín hiệu về việc kết thúc nhịp phục hồi để bước sang nhịp điều chỉnh mặc dù vẫn còn khả năng đi tiếp tới vùng quanh 1.400 điểm nếu giữ được ngưỡng 1.350 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Vì vậy, cần tiếp tục quan sát diễn biến trong phiên tiếp theo để nhận định chính xác hơn về xu hướng thị trường.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 13/8, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.325-1.350 điểm. Nhà đầu tư đã chốt lời dần danh mục trong thời gian qua nên đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua thêm ở vùng giá hiện tại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, VN-Index vẫn đang vận động tích lũy trong biên độ hẹp (1,350 – 1,380 điểm). Theo đó, tâm lý nhà đầu đang dần trở nên ổn định hơn ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp.
“Biến động chỉ số trong biên độ hẹp cũng như sự thiếu vắng đột biến thanh khoản hay nhóm ngành dẫn dắt ủng hộ hơn về khả năng chỉ số chung cần thêm một số phiên tích lũy nữa trước khi kiểm định lại ngưỡng kháng cự 1.380 điểm.
Trong bối cảnh thị trường vẫn đang ở 'vùng trống' thông tin, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên bảo toàn thành quả trong giai đoạn hiện tại hơn là tìm kiếm lợi nhuận bằng cách 'lướt sóng' ngắn hạn, cụ thể là cân nhắc đưa tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức hợp lý và quản trị rủi ro danh mục cũng như tránh lạm dụng đòn bẩy”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.
Tin nổi bật
Tin Video