Dòng tiền chảy mạnh vào vàng, chứng khoán: Cẩn thận "chơi dao đứt tay"
Trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cuộc lên ngôi của các kênh đầu tư: vàng, bất động sản, chứng khoán… đang khiến tâm lý người dân và các nhà đầu tư vừa hưng phấn, vừa lo sợ.
Vốn ồ ạt “chảy” vào thị trường vàng, chứng khoán
Năm 2020, lần đầu tiên sau 10 năm, giá vàng tăng phi mã, vượt mọi kỷ lục. Giá vàng thế giới lên tới 2.200 USD/oz, giá vàng trong nước cũng lần đầu tiên vượt mốc 60 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, sau khi nhiều nước công bố thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19, thị trường vàng dần chìm lắng. Hiện giá vàng thế giới xoay quanh mốc 1.900 USD/ounce, giá vàng trong nước khoảng 55-56,5 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay, giá vàng đã tăng khá mạnh so với những năm gần đây do lo ngại kinh tế toàn cầu giảm vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá vàng có những thời điểm cũng đảo chiều giảm khá mạnh. Điều này khiến cho kênh đầu tư này cũng vô cùng rủi ro và chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có kiến thức.
“Mặc dù hiện có khá nhiều dự báo giá vàng sẽ tăng, song cũng có nhiều dự báo là giá vàng có thể đảo chiều giảm mạnh nếu như đại dịch Covid-19 được kiểm soát và thế giới tìm ra vắc xin chữa trị. Do vậy, nhà đầu tư không nên vội vàng đầu tư khi thấy giá vàng lên cao”, ông Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Cũng tương tự như vàng, kênh đầu tư chứng khoán cũng cho thấy sự khác biệt trong năm 2020. Từ mức đáy 650 điểm khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam ở thời điểm cuối tháng 3/2020, VN-Index đã có sự bứt phá vượt 1.000 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2020. Thị trường tiếp tục tăng điểm trong những phiên đầu năm.
Chốt phiên chiều 13/1, VN-Index đứng ở mức 1.186,05 điểm với 193 mã tăng và 254 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 819,3 triệu đơn vị, giá trị 18.193,5 tỷ đồng, tăng 13,8% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên ngày 12/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 72 triệu đơn vị, giá trị 2.560 tỷ đồng.
Chứng khoán thường sẽ lao dốc khi kinh tế rơi vào khủng hoảng, trái ngược với vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Thế nhưng kết thúc năm 2020 và cho đến thời điểm hiện tại, các loại tài sản này đều tăng mạnh.
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng kinh tế và tin học phân tích, từ đầu năm 2020, vàng đã tăng mạnh thể hiện sự bất ổn của kinh tế toàn cầu. Tương tự, trong năm vừa qua, TTCK Mỹ tăng mạnh nhưng cũng liên tục sụt giảm cho thấy nền kinh tế vẫn có nhiều rủi ro. Tại thị trường Việt Nam, dòng tiền đổ vào chứng khoán thời gian gần đây rất lớn do trong vòng 1 tháng nay giá chứng khoán tăng rất nhanh và mạnh.
“Hiện vàng đã tăng cao nên rủi ro cũng cao, BĐS thanh khoản yếu, ngoại tệ liên tục sụt giảm, ngoài ra, lãi suất ngân hàng cũng không cao nên những người có tiền đã tìm cơ hội tại thị trường chứng khoán để sinh lời. Xu thế lướt sóng diễn ra mạnh cộng với tâm lý đón đầu sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021 giúp TTCK Việt tăng cao”, ông Hiển cho hay.
Cẩn trọng “đứt tay”
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, việc chỉ số chứng khoán tăng gần gấp đôi cũng trở thành một vấn đề đáng lo ngại, dù rằng nhiều người cho rằng trái phiếu tăng có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng tốt, tuy nhiên, trong thực tế, chứng khoán tăng chưa chắc đã phản ánh đúng thực chất.
Với riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian qua ghi nhận mức tăng tương đối tốt, điều này cũng phản ánh sức khoẻ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường năm 2021 sẽ khó tránh những đợt điều chỉnh, bởi vậy nhà đầu tư phải có sự phân tích dòng tiền để lựa chọn cổ phiếu tốt ở thời điểm phù hợp.
“Thị trường chứng khoán tăng trưởng như vừa qua là quá nóng, cần phải có sự theo dõi, kiểm tra của các cơ quan chức năng để giảm thiểu rủi ro khi có tăng giá ở thị trường chứng khoán một cách bất hợp lý. Hiện tại cũng chưa có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng về lâu về dài nếu như lại bùng phát bong bóng chứng khoán, bong bóng bất động sản thì sẽ rất nguy hiểm.
Do đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính cần có sự theo dõi chặt chẽ, thường xuyên để điều chỉnh thị trường này khi cần thiết, tránh tác động không tốt đến nền kinh tế trong năm 2021”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cùng với những bất ổn của thị trường vàng, diễn biến đi ngang của thị trường ngoại tệ, dòng tiền vào các lĩnh vực khác cũng không hề dễ dàng kiếm lời, thậm chí có thể khiến nhà đầu tư rơi vào tình trạng "chơi dao đứt tay". Các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, trái phiếu đều ẩn chứa rủi ro lớn, cũng như việc khó dự báo của thị trường.
TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, hiện dòng tiền “đổ” vào chứng khoán chủ yếu theo tâm lý “đám đông”, dựa theo việc tăng mạnh của chứng khoán nên đầu tư theo để kiếm lợi nhuận. Do đó, cần có sự kiểm soát dòng tiền ra thị trường vì nếu không có thể sẽ dẫn đến nguy cơ bong bóng phình lên khi giá tăng liên tục. Khi bong bóng đổ vỡ lại gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư quan tâm đến chứng khoán vì thị trường đang lên và được kỳ vọng trong năm 2021. Nhưng chứng khoán cũng là kênh đầu tư bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường thế giới và dòng vốn ngoại. Chứng khoán là kênh được khuyến khích tham gia nhưng chưa bền vững.
"Thị trường vàng và chứng khoán là hai thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh, tác động bởi tình hình chính trị và kinh tế thế giới. Các nhà đầu tư vào hai thị trường này nên thận trọng, không nên “bỏ tất cả trứng vào một rổ” hay vay tiền để đầu tư”, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cảnh báo.
Liên quan đến những rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp, vừa qua, Bộ Tài chính đã khuyến cáo các nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu. Bộ Tài chính cũng lưu ý không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.
Tin nổi bật
Tin Video