Động lực tích cực mới cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Chiều 20/10, theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ ba từ ngày 17-20/10 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Những đóng góp của Việt Nam tại Diễn đàn tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, các hoạt động tiếp xúc cấp cao của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đạt được trong chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022. Thành công đó tạo động lực tích cực mới cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
3 đề xuất của Việt Nam về kinh tế số
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn gặp không ít khó khăn, Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 là dịp để lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế thảo luận các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là tìm động lực tăng trưởng mới. Bởi vậy, Diễn đàn thu hút hơn 4.000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, trong đó có sự tham dự của hơn 20 lãnh đạo cấp cao các nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các nhà lãnh đạo đã chia sẻ các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy kết nối, phát triển xanh và kinh tế số, thu hút nguồn lực quốc tế để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thông điệp mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mang đến Diễn đàn lần này là “Việt Nam luôn ủng hộ những sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới”. Việt Nam đánh giá cao, hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi sướng, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Nêu quan điểm tại Phiên họp cấp cao với chủ đề Kinh tế số - Động lực mới của tăng trưởng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trước các nhà lãnh đạo của thế giới, kinh tế số mở ra nhiều tiềm năng và không gian phát triển mới, vô cùng lớn và sẽ nhanh chóng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia.
Chủ tịch nước thông tin với các nhà lãnh đạo thế giới rằng, Việt Nam coi trọng các con đường kết nối Việt Nam với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian số; hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực. Việt Nam xác định: Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới, sáng tạo. Nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chủ tịch nước đề xuất hợp tác tập trung vào 3 trụ cột là: Thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số.
Trong đó, hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, đảm bảo sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân; tạo môi trường kinh doanh thân thiện và hấp dẫn; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia.
Hợp tác về hạ tầng số để phát triển hạ tầng số đảm bảo khả năng tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Phải coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất. Hạ tầng số là dòng chảy dữ liệu. Hai dòng chảy này phải luôn tương xứng, đồng bộ với nhau. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp có tiềm lực nghiên cứu, hợp tác đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, đồng thời hợp tác về nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng - cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.
Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đánh giá, với việc tham dự các hoạt động của Diễn đàn cũng như các hoạt động bên lề khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như lập trường rõ ràng về sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, với những sáng kiến có lợi cho hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Một điểm nhấn quan trọng trong chuyến đi, đó là Chủ tịch nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc; gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia, trưởng đoàn các nước, các tổ chức quốc tế cùng tham dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường, trong đó có Tổng thống Nga; Tổng thống Uzbekistan; Thủ tướng Campuchia; Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào; Tổng thống Sri Lanka; Tổng Thư ký Liên Hợp quốc…
Các đối tác đều mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, toàn diện với Việt Nam. Thông qua các hoạt động tại Diễn đàn, các bộ, ngành, địa phương nước ta cũng có cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác với các đối tác từ nhiều quốc gia.
Coi trọng cao độ quan hệ Việt-Trung
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; gặp Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc Triệu Lạc Tế và hội kiến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi việc củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung quốc; hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam phát triển lớn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai bên tiếp tục làm sâu sắc thêm nội hàm, qua đó nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; hai bên nỗ lực tạo không khí thuận lợi cho tổng thể quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp. Chủ tịch nước đề nghị hai bên cần nỗ lực kiểm soát hiệu quả và xử lý thỏa đáng bất đồng trên biển, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cùng các nước liên quan xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đánh giá cao những đề xuất hợp tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí thúc đẩy giao lưu cấp cao và các cấp, qua đó tăng cường hiểu biết, củng cố tin cậy chính trị giữa hai bên. Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường kết nối sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”…Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giao lưu nhân dân và thông tin tuyên truyền hữu nghị, củng cố nền tảng xã hội; xử lý ổn thỏa và kiểm soát tốt bất đồng, vì hòa bình, ổn định ở trên biển và khu vực.
Nhìn nhận về những kết quả quan trọng đạt được trong các cuộc tiếp xúc cấp cao của Chủ tịch nước với Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho rằng, quan hệ hai nước duy trì xu thế đi lên và tiếp thêm động lực tích cực mới cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo hai bên cũng nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ bước vào giai đoạn phát triển mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất, sâu sắc hơn, nền tảng dân ý vững chắc hơn và bất đồng được kiểm soát tốt hơn.
Quan tâm đến hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về kinh tế số, ông Thượng Phong, Phó Giáo sư Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại Bắc Kinh, Trung Quốc, đánh giá, Trung Quốc và Việt Nam có không gian hợp tác rộng lớn và tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực kinh tế số. Việt Nam công bố "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vào năm 2020, đưa ra các mục tiêu và biện pháp phát triển trong các lĩnh vực như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số... Hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; trung tâm dữ liệu, mạng 5G. Sản xuất thông minh là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hai nước có thể hợp tác về công nghiệp thông minh, robot và an toàn sản xuất.
Từ góc tiếp cận của địa phương, tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, cho biết, Lào Cai thuộc Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, do đó, quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước là cơ sở rất thuận lợi để các địa phương tăng cường hợp tác. Lào Cai đang xây dựng đề án nhằm kết nối thông qua hành lang kinh tế này, đặc biệt là kết nối tại cửa khẩu, hiện đại hóa cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, kết nối hạ tầng giao thông cả đường bộ và đường sắt để thông quan và đẩy mạnh giao lưu hàng hóa qua biên giới cũng như hợp tác về văn hóa, xã hội.
Có thể nói, chuyến công tác của Chủ tịch nước và đoàn cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, là một hoạt động rất có ý nghĩa trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong năm 2023, vừa cụ thể hóa những nhận thức cấp cao giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đạt được trong chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022; vừa thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với các sáng kiến của Trung Quốc, qua đó tạo động lực tích cực mới cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Tin nổi bật
Tin Video