Đông đảo người xem xếp hàng tham quan tháp nước Hàng Đậu
(VOVTV) - Sáng ngày 17/11, trưng bày “Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu” chính thức diễn ra. Vốn là địa điểm check-in nổi tiếng ở Hà Nội, việc tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan thu hút nhiều sự chú ý từ công chúng và đây cũng được coi là một sự kiện kết nối thế hệ.
Sự kiện là một trải nghiệm đưa khán giả trở về thiên nhiên, qua đó kiến tạo sự kết nối xã hội đô thị và thế giới tự nhiên thông qua hình ảnh nước đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nước trong cuộc sống ngày nay.
Vào tham quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật lấy cảm hứng từ quan niệm Á Đông với hai hệ sắp đặt: hệ âm thanh và hệ hình ảnh - tiếng nước chảy tự nhiên từ thuở sơ khai và các mảng màu sáng tối tương phản.
Theo kiến trúc sư Cao Thế Anh - chuyên gia cải tạo, tổ chức trưng bày "Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu", "việc tái chế rác thải đô thị để tái hiện hiện vật bên trong tháp nước Hàng Đậu có 3 lý do: Thứ nhất, để giảm thiểu chi phí. Thứ hai, nhằm tái hiện cuộc sống đô thị, kéo gần khoảng cách giữa di tích lịch sử đã ngủ quên và cuộc sống hiện đại. Thứ ba, nhằm mục đích kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường."
Trưng bày "Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu" cũng là một sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm từ nhiều thế hệ. Người già tìm về để hoài niệm, người trẻ tìm đến không phải chỉ để để check-in 'sống ảo', mà thực tâm tìm về cội nguồn, mong được hiểu biết.
Bà Cao Thị Ngọc Lan - Bà nội của Kiến trúc sư Cao Thế Anh chia sẻ: "Tháp nước Hàng Đậu là nơi gắn liền với ký ức tuổi thơ. Từ hồi các bà, cô còn bé, đi học thì tháp nước này đã có rồi. Từ xưa, tháp nước như một biểu tượng, cột mốc khi có người hỏi đường, ngày xưa gọi là Nhà máy nước tròn, nhắc đến Hà Nội là nhớ đến bốt Hàng Đậu. Đến nay, mới có dịp đến tham quan bên trong tháp nước mà ngày trước mình chưa biết được. Bà thấy các anh ấy làm đẹp lắm, ý nghĩa lắm."
Cô Thu Anh (45 tuổi, Hà Nội) cũng hào hứng xếp hàng đợi tham quan: "Cô biết thông tin Tháp nước Hàng Đậu mở cửa qua Facebook, vì tò mò nên cô đến từ sớm để xếp hàng vào tham quan. Cô thấy không khí ở đây rất vui, mọi người đều hào hứng, phấn khởi".
Các bạn trẻ khi tham dự triển lãm không khỏi háo hức và trầm trồ trước không gian kiến trúc lịch sử này. Minh Ngọc, 21 tuổi chia sẻ, bạn không có nhiều kiến thức về lịch sử lắm, chỉ biết bốt đã xây từ rất lâu và có nhiều dấu ấn lịch sử, vì vậy bạn khá tò mò và muốn khám phá không gian bên trong tháp nước Hàng Đậu.
Tuy nhiên, triển lãm "Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu" vẫn khiến cho một số du khách tiếc nuối vì thời gian tham quan bị hạn chế. Anh Đạt, sinh sống tại Hà Nội, chia sẻ, anh cảm thấy hơi thất vọng vì trải nghiệm tham quan tháp nước Hàng Đậu này khá là chóng vánh. Mặc dù vậy, với những gì mà ban tổ chức đã tạo ra ở triển lãm này thì vẫn rất đáng để các du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Triển lãm "Sắp đặt nước và Di sản tháp nước Hàng Đậu" mở cửa từ ngày 17 – 26/11/2023 (có thể sẽ kéo dài) tại tháp nước Hàng Đậu (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội).
Theo Ban Tổ chức, khi đến tham quan, du khách sẽ đi vào theo nhóm 20-30 người để đảm bảo các yếu tố an toàn kỹ thuật cũng như để trải nghiệm trọn vẹn không gian nghệ thuật bên trong tháp nước.
Đây là hoạt động hưởng ứng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 do TP phát động, được gắn kết tạo chuỗi không gian "Dòng chảy Di sản trong thành phố Sáng tạo".
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 có hơn 60 hoạt động thiết kế sáng tạo hiện diện tại các khu vực: Vườn hoa Vạn Xuân và tháp nước Hàng Đậu; ga Long Biên; cầu Long Biên; ga Gia Lâm và Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Lần đầu tiên tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội sẽ có trải nghiệm đi tàu hỏa - phương tiện kết nối độc đáo các điểm đến trên hành trình trải nghiệm lễ hội.
Tin nổi bật
Tin Video