Tin tức

Đóng cửa trường học thời đại dịch COVID-19 gây tổn hại kinh tế lâu dài

(VOVTV) - Tình trạng đóng cửa trường học trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát không những gây gián đoạn việc học tập của trẻ em ở nhiều quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), mà còn có thể để lại những hệ lụy lâu dài đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế phát triển.

18/05/2022 13:16

Các đánh giá gần đây cho thấy việc dạy học trực tiếp bị gián đoạn trong thời kỳ dịch COVID-19 đã làm giảm trình độ học vấn tại các nước như Ấn Độ, Đức, Vương quốc Anh, Brazil và Mỹ, nơi các cơ sở giáo dục phải đóng cửa trong hơn 1 năm. Trong báo cáo được công bố ngày 17/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh rằng nếu tình trạng học tập bị gián đoạn không được giải quyết, điều này có thể khiến những thế hệ học sinh, sinh viên trong giai đoạn này đối mặt với thu nhập bị giảm sút trong tương lai.

Theo báo cáo, số lượng học sinh, sinh viên hiện nay sẽ chiếm gần 40% dân số trong độ tuổi lao động tại các nền kinh tế của G20 trong nhiều thập niên tới. IMF dự báo rằng một khi tất cả các học sinh, sinh viên trên tham gia vào thị trường lao động, GDP của các nền kinh tế thuộc G20 có thể thấp hơn 3% trong thời gian dài.

Đóng cửa trường học thời đại dịch COVID-19 gây tổn hại kinh tế lâu dài - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Trong báo cáo, IMF cũng cho biết các hộ gia đình nghèo nhất là những đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng gián đoạn học tập, ảnh hưởng thu nhập sau này của con cái họ. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Theo ước tính của IMF, nếu không được giải quyết, tình trạng gián đoạn học tập sẽ khiến người dân các nước G20 có nguy cơ mất 1,5% đến 10% thu nhập trong cả cuộc đời.

Các nhà hoạt động vì quyền của trẻ em cho rằng việc đóng cửa trường học gây ra nhiều hệ lụy như gia tăng lao động trẻ em, trẻ vị thành niên mang thai và tảo hôn. 

Không chỉ vậy, nhiều trẻ đã không thể trở lại trường học do thu nhập cha mẹ bị ảnh hưởng. Trong báo cáo được công bố hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) cảnh báo thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay có nguy cơ mất 17.000 tỷ USD thu nhập trong cả cuộc đời, chiếm khoảng 14% tổng GDP toàn cầu, do đại dịch COVID-19 khiến việc dạy học trực tiếp bị gián đoạn. Con số này cao hơn so với ước tính 10.000 tỷ USD trước đó vào năm ngoái.

Chuyên gia giáo dục của UNICEF Robert Jenkins từng cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ một thế hệ mất mát. Ông nhấn mạnh hành động ngay bây giờ hoặc không bao giờ để xoay chuyển tình hình. Ông cũng nói rõ nếu không hành động khẩn cấp, nhiều quốc gia có thể mất đi công nhân lành nghề để phục vụ cho sự phát triển xã hội, kinh tế./.

Ý kiến của bạn