Đông Âu vật lộn với làn sóng Covid-19 lần thứ 3
(VOVTV) - Các quốc gia Đông Âu đang tiếp tục phải vật lộn với làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19 giữa bối cảnh số ca mắc tăng lên nhanh chóng.
Theo báo của Bộ Y tế Séc, nước này đang phải điều trị cho khoảng 9.000 bệnh nhân Covid-19 với gần 2.000 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt. Trong bối cảnh hệ thống y tế đang bị quá tải, Cộng hòa Séc đã phải gửi những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên sang quốc gia láng giềng Ba Lan để điều trị. Nước này cũng đang trở thành điểm nóng Covid-19 với tỷ lệ lây nhiễm trong ngày đứng đầu tại châu Âu.
Hungary đã ghi nhận số ca mắc trong ngày đã vượt qua mức đỉnh trước đó vào tháng 12, đồng thời là quốc gia đứng đầu châu Âu về tỷ lệ tử vong, tiếp đó là Cộng hòa Séc. Các trường học và hầu hết các cửa hàng đã buộc phải đóng cửa từ đầu tuần trong bối cảnh tình trạng lây nhiễm dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong hoàn cảnh tương tự, số ca mắc mới ở Ba Lan đang gia tăng nhanh chóng, chính phủ nước này đã ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 11 tới nay với hơn 17.200 ca mắc mới. Phát ngôn viên của Bộ Y tế Ba Lan cho biết một lý do quan trọng khiến cho tỷ lệ lây nhiễm đang tăng nhanh là do ý thức của người dân đối với các biện pháp chống Covid-19 chưa cao.
Việc thực hiện chương trình tiêm chủng ở khu vực Đông Âu cũng diễn ra chậm chạp hơn ở các khu vực khác ở châu Âu. Hiện tại, chỉ có Slovakia và Hungary đã tăng cường số lượng vaccine phục vụ cho công tác tiêm chủng sau khi tiếp nhận các lô vaccine Sputnik V từ Nga mặc dù chưa được sự chấp thuận của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu.
Hungary cũng là quốc gia đầu tiên sử dụng vaccine Sputnik V của Nga và đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng của mình. Tới nay, khoảng 10,5% người dân Hungary đã được tiêm chủng.
Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã thúc giục cơ quan dược phẩm EU tăng tốc phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga, đồng thời cảnh báo rằng tính mạng công dân EU đang bị đe dọa trước làn sóng lây nhiễm lần thứ 3. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã bị nhiều quốc gia thành viên chỉ trích vì tốc độ triển khai tiêm chủng chậm chạp vaccine Covid-19.
Tin nổi bật
Tin Video