Tin tức

Đòn trừng phạt cứng rắn của Mỹ có thể ‘ngắt mạch kinh tế Nga khỏi hệ thống quốc tế’

Bên cạnh những lệnh trừng phạt hà khắc mà Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ thực thi, Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng áp dụng một vũ khí kinh tế khác nếu Nga theo đuổi tấn công quân sự nhằm vào Ukraine.

21/02/2022 17:27

Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR) cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ và nước ngoài xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, như bán dẫn, sang Nga. Hiện chưa biết mức độ hiệu quả của đòn cấm vận này ra sao trước Nga, nhưng trong một số trường hợp khác, hạn chế xuất khẩu theo EAR đã phát huy công dụng và giới chức Nhà Trắng cam kết đây sẽ là một yếu tố chủ chốt để cô lập, ngắt kinh tế Nga với thế giới bên ngoài.

Theo Douglas Rediker, học giả cấp cao tại Viện Brookings, “vũ khí trừng phạt nguyên tử” này là điều ông Putin không mong đợi. Nga sẽ bị ngắt khỏi tất cả liên kết trong phát triển trí tuệ nhân tạo và rộng hơn là mọi công nghệ giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế của thế kỷ 21. Đây là lần đầu tiên Mỹ bóng gió đề cập đến trừng phạt qua EAR và có thể hành động đơn phương, không cần sự góp sức của Liên minh châu Âu (EU).

Đòn trừng phạt cứng rắn của Mỹ có thể ‘ngắt mạch kinh tế Nga khỏi hệ thống quốc tế’ - Ảnh 1.

Mỹ cân nhắc áp hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như chip sang Nga. Ảnh: AFP

EAR nêu rõ Mỹ lệnh cấm vận không chỉ áp dụng đối với các mặt hàng của Mỹ, mà còn cả các sản phẩm, công nghệ được sản xuất, chế tạo ở những địa điểm, khu vực bên ngoài nước Mỹ nằm trong tiêu chí “sản phẩm trực tiếp” của các ngành như công nghệ, phần mềm, chế tạo của Mỹ.

EAR bao gồm các quy định được nêu trong Phần 730–774 của Đề mục 15 trong Bộ luật Quy định Liên bang (CFR) và do Bộ Thương mại Mỹ ban hành để triển khai Đạo luật Quản lý Xuất khẩu và các yêu cầu luật định khác. EAR được sửa đổi theo các quy tắc được công bố trong Công báo Liên bang.

Ngay sau khi ông Biden tuyên bố Mỹ tin rằng Nga đã có sẵn kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh ngày 18/2 đã làm rõ hơn những tính toán của Mỹ trong răn đe trừng phạt Nga. Phát biểu trước báo giới về kế hoạch tổng thể của Nhà Trắng, ông Singh cho biết cấm vận tài chính nhằm triệt tiêu khả năng tiếp cận vốn nước ngoài của Nga, còn kiểm soát xuất khẩu là giải pháp tước đoạt các sản phẩm công nghệ đầu vào mà Nga cần để đa dạng hóa nền kinh tế.

Thừa nhận các công ty của Trung Quốc ít có khả năng chùn bước trước biện pháp của Mỹ, ông Singh khẳng định Mỹ có ưu thế mang tính hệ thống khi xét đến những công nghệ nền tảng của thời đại. Nga không có khả năng thay thế bù đắp những sản phẩm, công nghệ bị cấm dù có tìm kiếm nguồn nhập khẩu từ những nước khác, kể cả Trung Quốc.

“Khi nói về những công nghệ nền tảng trong thời đại hiện nay, có thể nhận thấy rằng hầu hết số này đều do phương Tây thiết kế, làm chủ. Ông Putin đã nhiều lần nói về mong muốn phát triển công nghệ vũ trụ, công nghiệp quốc phòng, công nghệ thông tin. Nhưng nếu thiếu công nghệ đầu vào, sẽ chẳng có cách nào để Nga hiện thực hóa những tham vọng đó”, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói.

Nhà Trắng cũng thừa nhận một thực tế ngành chế tạo chip chủ yếu nằm bên ngoài nước Mỹ. Vai trò của Mỹ trong ngành chế tạo bán dẫn đã suy giảm, từ mức chiếm 40% sản lượng toàn cầu trong năm 1990 xuống chỉ còn 12% ở thời điểm hiện tại - theo số liệu thống kê của Hiệp hội ngành bán dẫn (SIA). Riêng về những sản phẩm bán dẫn cao cấp, 100% được chế tạo bên ngoài nước Mỹ trong năm 2019. Khoảng 75% năng lực sản xuất chip toàn cầu hiện tập trung ở khu vực Đông Á.

Các công ty chế tạo chip đặt trụ sở ở Mỹ như Intel, Qualcomm sẽ nằm trong đối tượng phải tuân thủ EAR một khi chính quyền Mỹ kích hoạt quy định trừng phạt này, dù sản lượng của hai ông lớn trên cơ bản được sản xuất ở nước ngoài. Các công ty khác như Samsung hay TSMC (Đài Loan/Trung Quốc) sẽ buộc phải lựa chọn có mạo hiểm thách thức các thị trường phương Tây để tiếp tục giao dịch với Nga hay không.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã được chính quyền Mỹ áp dụng trong vài năm trở lại đây và có bằng chứng cho thấy đòn trừng phạt này gây thiệt hại cho đối thủ. Năm 2019, Mỹ giáng đòn trừng phạt nhằm vào tập đoàn Huawei của Mỹ với các lệnh cấm xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm bán dẫn. Quy định này được sửa đổi trong năm 2020.

Huawei đã ngấm đòn, khi công bố mức doanh thu giảm 30% trong thời gian gần đây, chủ yếu là do trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi về tính hiệu quả của biện pháp dạng này khi áp dụng nhằm vào một quốc gia.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn