Tin tức

Đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng

(VOVTV) - Tết ở bệnh viện tâm thần - nơi có những bệnh nhân “đặc biệt” chợt khóc, chợt cười, năm nay càng đặc biệt hơn, bởi có những người vừa mắc bệnh, vừa mắc COVID-19. Trên tất cả những điều “đặc biệt” đó là sự yêu thương thầm lặng của các y bác sĩ nơi đây.

Tác giả Thanh Hà / VOV Miền Trung
31/01/2022 10:36

Một bệnh nhân kích động, lên cơn tâm thần vừa vào viện. Cả ca trực vội vã lao vào công việc. Người thì khống chế bệnh nhân, người thì giữ cố định người bệnh vào giường, người thì tiêm thuốc để họ qua cơn.

Trong một khu khác thuộc khoa Phục hồi chức năng, các bác sĩ và điều dưỡng hướng dẫn những bệnh nhân đã ổn định sức khỏe làm mứt Tết. Những bàn tay chậm chạp, vụng về sấy dừa, trộn đường làm mứt.

Đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - Ảnh 2.

Bệnh nhân tâm thần đã được điều trị ổn định

Ở một góc khác, nhóm bệnh nhân lớn tuổi ngồi nói chuyện xưa, chuyện nay. Trong một buổi chiều tỉnh táo, ông Nguyễn Hữu C chậm rãi kể chuyện nhà mình. Ông quê làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có nhà ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. Nhà gần bệnh viện nên năm nào, gia đình cũng đón ông về ăn Tết.

Ông C kể, ông làm việc vào ban đêm tại một đơn vị đường sắt trên đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng. Ban ngày, ông trở về căn nhà tập thể 14 mét vuông của 4 thành viên trong gia đình. Phía trên sàn gỗ là một hộ gia đình khác sinh hoạt ban ngày ầm ĩ. Vì vậy, suốt một thời gian dài ông không được ngủ. Đến khi ông trở bệnh thì không thể chữa trị được.

Đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - Ảnh 3.

Bệnh nhân tâm thần (áo xanh) tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng gói bánh chưng đón Tết

Từ năm 1994 đến nay, ông vào điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Trước khi về nhà ăn Tết, ông cũng như những bệnh nhân đã điều trị ổn định đều được các bệnh viện tổ chức đón Tết trước, cùng ăn bữa cơm chia tay.

Ông C nói, sau Tết lại lên bệnh viện điều trị: “Năm nay, bệnh viện lo cho bệnh nhân có bữa vui, đón Xuân trước khi chia tay về. Mấy năm trước thì chỉ có bánh kẹo thôi. Năm nay còn có bánh chưng và làm mứt nữa. Tôi được về đón Xuân với gia đình nên rất vui”.

Đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - Ảnh 4.

Trao quà Tết bệnh nhân tâm thần

Nếu như ông Nguyễn Hữu C. “thường trú lâu năm” tại đây thì bệnh nhân Nguyễn Công Ch là người nhiều lần đón Tết ở bệnh viện. Cứ gần đến Tết là gia đình lại đưa ông lên đây điều trị chứng loạn thần vì rượu.

Ông Ch nhà ở đường Trưng Nữ Vương, TP. Đà Nẵng, cứ rượu, bia vào thì không kiểm soát được mình. Tết đến, nhà nhà tất niên, tiệc cuối năm, đón năm mới nên cả khu dân cư khổ sở với ông bởi chứng “loạn thần do rượu”. Vậy là ông trở thành “bệnh nhân bất đắc dĩ” phải ăn Tết cùng những người bệnh nặng.

Những ngày Tết, người đàn ông này cũng có nhiều tâm trạng: “Bệnh viện tổ chức làm mứt và gói bánh chưng. Tôi tham gia làm mứt rất vui. Nghe bác sĩ bảo sẽ gửi cho mỗi bệnh nhân một hộp mứt và 1 cái bánh chưng, tôi thấy vui và có không khí Tết”.

Đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - Ảnh 5.

Bệnh nhân đang làm mứt dừa cho những ngày Tết

Gần 200 bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng là gần 200 hoàn cảnh khác nhau. Họ đến đây với nhiều chứng bệnh khác nhau, người thì stress, người thì mất ngủ triền miên, người bị bệnh tâm thần phân liệt, kẻ nghiện rượu, người thì dùng thuốc cỏ quá liều dẫn đến loạn thần… Vào đây, bệnh nhân đủ các thành phần, nhiều người có trình độ đại học, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ… Vào đây, nhiều người giàu sang nhưng không ít người vô gia cư, cô độc.

Bác sĩ Lê Văn Nguyên là người gắn bó với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng từ khi mới tốt nghiệp Đại học Y khoa, đến nay chuẩn bị về hưu. Bác sĩ Nguyên quê ở làng Nam Ô, quận Liên Chiểu, cách bệnh viện chỉ vài cây số nên hầu như năm nào ông cũng có ca trực đón Tết cùng bệnh nhân. Điều ông đau lòng nhất là người tâm thần gây án. Hầu hết những người tâm thần gây án lại xảy ra ở chính gia đình họ.

Bác sĩ Nguyên trăn trở, bây giờ, bệnh nhân có nhiều người nghiện rượu, nghiện ma túy dẫn đến loạn thần. 35 năm gần gũi với người tâm thần, bác sĩ Lê Văn Nguyên luôn thương cảm bệnh nhân của mình, nhất là trong những ngày Tết đến Xuân về.

Bác sĩ Nguyên cho biết, người bệnh khi đã sa sút trí tuệ thì chỉ còn sống theo bản năng, không còn biết vui buồn, khổ đau. Những ngày cuối năm hoặc giao thừa, bệnh viện thường tổ chức các hoạt động đón Tết theo cách gợi lại nét Xuân, các món ăn truyền thống của dân tộc, cốt để gợi cho người bệnh nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp càng nhiều, càng tốt.

“Trong các hoạt động sinh hoạt với bệnh nhân, chúng tôi nói về Tết cổ truyền của Việt Nam để cho họ gợi lại những cái đã mất đi do những ngày tháng họ bị loạn thần. Thứ 2 là bằng hoạt động thực tế, tổ chức cho bệnh nhân, như vui chơi, đưa ra những vấn đề có nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam mình, chẳng hạn như là làm bánh, làm mứt hay làm dưa kiệu đơn giản cho bệnh nhân họ biết...

Người không làm được thì lau lá, người thì vào khung... Làm việc đơn giản nhưng giúp họ gợi lại nét văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc mình”, bác sĩ Nguyên nói.

Cứ mỗi độ Tết đến, gia đình bệnh nhân tâm thần đón người thân về nhà sum vầy, sau Tết đưa trở lại bệnh viện điều trị. Tết này, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc những ngày cuối năm tăng cao nên nhiều gia đình chưa thể đón người thân về nhà. Trong những ngày giáp Tết, Bệnh viện đón thêm nhiều bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19.

Đón Tết ở bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - Ảnh 6.

Với các y, bác sĩ ở đây, quan trọng nhất là cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân

Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã 35 năm đón Tết cùng bệnh nhân tâm thần bảo rằng, bệnh viện làm hết sức mình để ai cũng được có Tết: “Năm nay, số lượng bệnh nhân ở lại nhiều hơn năm trước. Với tinh thần đó, bệnh viện có kế hoạch điều trị bệnh nhân COVID-19 có rối loạn tâm thần.

Vừa cách ly, vừa điều trị COVID-19 và rối loạn tâm thần nữa thì tương đối nặng nề. Để giải quyết vấn đề đó, bệnh viện sẽ tìm mọi cách để cho bệnh nhân điều trị COVID-19 ổn định, để họ tham gia sinh hoạt trong ngày Tết hay là tham gia những chương trình, những bữa ăn thân mật. Quan trọng nhất là cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân”.

Tết của những bệnh nhân đang ở giữa lằn ranh của tỉnh và mê, của thực tại và một cõi xa xôi nào đó, thật buồn. Điều mà những y bác sĩ nơi đây mong muốn không phải là cái Tết đầy đủ, tươm tất như người bình thường. Điều họ mong ước nhất là các bệnh nhân tâm thần được sống trong tình yêu thương, đùm bọc với những cái nhìn thân thiện, thương cảm. Có như vậy, Tết của những bệnh nhân tâm thần mới trọn vẹn.

Ý kiến của bạn