Đối tượng nào tại Việt Nam sẽ được tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên?
Các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine gồm lực lượng y tế liên quan trực tiếp tới công tác phòng, chống dịch, người già, người có bệnh nền và cán bộ ngoại giao...
Chiều 2/2, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đến thời điểm này, các lực lượng đã nhắm trúng 2 ổ dịch COVID-19 tại Chí Linh (Hải Dương) và Vân Đồn (Quảng Ninh).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong số các ca bệnh ở Hải Dương, điển hình là BN1660, Bộ Y tế đã chỉ đạo phân tích và xác định trường hợp này nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2 B1.1.7 ở Anh. Điều này gây ra quan ngại dịch bệnh sẽ nhanh và dễ lây lan hơn các lần trước.
Sau khi phát hiện 2 ổ dịch COVID-19 tại Chí Linh và Vân Đồn, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt cùng với hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tập, để trung khoanh vùng, truy vết nhanh chóng không để dịch lây lan rộng.
Với vấn đề vaccine COVID-19, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ký trên nguyên tắc với công ty sản xuất vaccine AstraZeneca của Anh, theo đó, trong năm 2021 sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam.
"Chúng tôi đang đàm phán với đối tác Anh để trong quý 1/2021 bắt đầu có vaccine COVID-19 cho người dân Việt Nam. Vaccine bước đầu dùng cho cán bộ y tế - những người trực tiếp làm công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh, người cao tuổi, người có bệnh nền nguy cơ cao và cán bộ ngoại giao…", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Cũng theo ông Thuấn, Liên minh châu Âu (EU) đang hạn chế xuất khẩu vaccine COVID-19, do vậy, Bộ Y tế đang đàm phán để làm sao có vaccine nhanh nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang đàm phán thêm các nhà sản xuất vaccine của Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Với vaccine trong nước, dự kiến đến cuối 2021 - đầu 2022 sẽ có vaccine "made in Vietnam" và sẽ có đủ vaccine tiêm cho cộng đồng.
Trước dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai triệt để Chỉ thị 05 và các biện pháp cấp bách phòng dịch… Đặc biệt, Hải Dương và Quảng Ninh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, triển khai các biện pháp cách ly, xét nghiệm, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần…
Riêng Hà Nội cần thay đổi chiến lược trong phòng, chống dịch, nâng cao mức phòng chống dịch lên một bước mới, xác định các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, coi F2 như F1.
Tin nổi bật
Tin Video