Đối tượng hành hung dã man nữ sinh sau tai nạn giao thông sẽ đối mặt với mức án nào?
Dù là người gây ra tai nạn, nhưng nam thanh niên vẫn hành hung dã man một nạn nhân (là nữ học sinh) vì cho rằng lỗi từ phía em này và bạn. Đối tượng này sẽ đối mặt với mức án nào?
Trả lời phóng viên báo Tin tức sáng 9/12, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Hành vi dùng chân đạp liên tiếp vào đầu cháu gái, tùy theo tính chất, mức độ hậu quả, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tỷ lệ thương tích gây ra theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự”.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, nếu cháu bé bị chấn thương sọ não nặng, nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng còn phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật hình sự (BLHS). Trong trường hợp tỷ lệ thương tích của cháu học sinh dưới 11%, đối tượng vẫn phải chịu chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c, i Khoản 1 Điều 134 BLHS với tình tiết định khung đối với người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.
Ngoài ra, đối tượng còn phải chịu xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ cây gậy ba khúc theo Điểm c, Khoản 5 và Điểm a, Khoản 8 , Điều 10 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đối với hành vi tàng trừ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.
Đối với hành vi điều khiển xe mô tô quay đầu xe không quan sát gây tai nạn giao thông, đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 7, Điều 6 Nghị đinh 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
"Hành vi phạm tội của đối tượng đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội và gây ảnh hưởng xấu đến tình tình an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là có dấu hiệu phạm tội với trẻ em là người dưới 16 tuổi nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe phòng ngựa tội phạm sử dụng bạo lực trong xã hội hiện nay", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi của đối tượng còn có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 và Điều 318 BLHS.
Sự việc này cụ thể như sau:,
Mới đây, Công an Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã lấy lời khai và bắt giữ khẩn cấp đối tượng đánh học sinh sau tai nạn giao thông. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 7/12, tại đường Bùi Ngọc Thu, thuộc khu phố 5, phường Tương Bình Hiệp. Thời điểm này, người đàn ông điều khiển xe máy biển số 95E1-800.61 chở theo một người phụ nữ lưu thông trên đường Bùi Ngọc Thu thì bất ngờ sang đường. Lúc này, hai học sinh đi xe đạp điện đang đi sau không xử lý kịp đã tông vào xe của đôi nam nữ. Cú va chạm mạnh khiến cả 2 xe ngã xuống đường. Tiếp đó, một phụ nữ điều khiển xe máy ngay sau hai học sinh cũng lao vào hiện trường vụ tai nạn văng xa vài mét.
Sau va chạm, người đang ông đi xe máy không giúp đỡ người bị nạn mà còn lao vào dùng chân đạp liên tiếp vào học sinh điều khiển xe đạp điện. Chưa thỏa mãn, người đàn ông này còn rút trong người một cây gậy ba khúc đánh liên tiếp vào em học sinh. Được người dân lao ra ngăn căn, người này mới chịu dừng lại nhưng tiếp tục chửi bới, chỉ thẳng mặt đe dọa em học sinh. Sau đó, người đàn ông này chở người phụ nữ rời khỏi hiện trường.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.