Đội cận vệ của tổng thống Haiti đã ở đâu khi ông bị ám sát?
Không cận vệ nào của tổng thống Haiti bị thương, dù hiện trường vụ tấn công khốc liệt và vết tích của giao tranh bằng súng ở khắp nơi. Họ đã ở đâu khi vụ ám sát xảy ra?
Theo giới chức Haiti, âm mưu ám sát Tổng thống Jovenel Moise ngày 7/7 được chuẩn bị trong nhiều tháng và có sự tham gia của các cựu binh giàu kinh nghiệm thực chiến.
Tuy nhiên, các nghi phạm chính trong vụ ám sát dường như đã không chuẩn bị cho sự truy đuổi gắt gao của lực lượng an ninh Haiti, theo CNN.
Hiện vẫn chưa rõ ai là người đứng sau vụ ám sát hôm 7/7 và với động cơ gì. Dù giới chức Haiti thông báo rằng nhóm nghi phạm sát hại Tổng thống Moise là cựu binh Colombia, thông tin này vẫn cần được kiểm chứng. Lực lượng điều tra từ các cơ quan an ninh của Mỹ, Colombia và Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã được cử đến Haiti để làm sáng tỏ các chi tiết xoay quanh vụ ám sát.
Đội cận vệ của ông Moise lẽ ra phải đỡ đạn
Thi thể của Tổng thống Moise được tìm thấy trong phòng ngủ vào rạng sáng 7/7. Carl Henry Destin, thẩm phán Haiti, một trong những nhân chứng đầu tiên có mặt tại hiện trường, mô tả: "Chúng tôi phát hiện ông ấy (Tổng thống Moise) nằm ngửa, mặc quần xanh, áo trắng dính máu, miệng há hốc, mắt trái trồi ra ngoài".
Nhiều quan chức Haiti nghi ngờ vết thương trên mặt của Tổng thống Moise là dấu hiệu cho thấy ông đã bị tra tấn. Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph cũng tuyên bố Tổng thống Moise đã phải chịu tra tấn trước khi bị giết.
Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise cũng bị thương song đang hồi phục sau khi được điều trị tại Mỹ.
"Chỉ trong nháy mắt, nhóm lính đánh thuê ập vào nhà và ghim những phát đạn vào người chồng tôi", bà Moise kể lại trong một đoạn băng ghi âm đăng trên Twitter hôm 10/7.
Dù nhiều vết đạn xuất hiện trong tư dinh Tổng thống Moise, không nhân viên hay thành viên nào trong đội cận vệ của ông bị thương, CNN dẫn lời các nhà chức trách Haiti cho biết.
Trưởng công tố của Haiti đang xem xét vai trò của lực lượng an ninh Haiti trong vụ ám sát, nhất là khi không ai khác trong tư dinh hoặc đội cận vệ của Tổng thống Moise bị hại.
Tâm lý hoài nghi đang bao trùm nhiều nơi trên đường phố Haiti. Nhiều người đang tự hỏi bằng cách nào nhóm tấn công có thể vượt qua lớp phòng ngự kiên cố của lực lượng an ninh Haiti mà không có thương vong.
Bên cạnh đó, sự bất nhất giữa các thông tin mà giới chức Haiti công bố khiến nhiều người dân nước này cảm thấy vụ ám sát Tổng thống Moise có nhiều điểm chưa rõ ràng.
“Nhóm người tấn công tổng thống lấy xe ở đâu ra? Họ vào đất nước này bằng cách nào?”, Bộ trưởng Bầu cử Haiti Mathias Pierre chất vấn. Ông nói thêm rằng theo lẽ thường, đội cận vệ của ông Moise lẽ ra phải đỡ đạn thay tổng thống.
Nhiều luồng thông tin mâu thuẫn khiến bức tranh toàn cảnh về vụ ám sát Tổng thống Moise trở nên không rõ ràng. Trái với công bố của giới chức Haiti, cựu Nghị sĩ Alfredo Antoine nghi ngờ vụ giết người có liên quan đến các nhà tài phiệt Haiti.
Cựu Thượng nghị sĩ Haiti Steven Benoit cũng nói với đài phát thanh Magik9 của Haiti hôm 9/7 rằng “nhóm sát thủ giết hại Tổng thống Moise không phải là người Colombia” song thừa nhận với CNN rằng ông không thể cung cấp bằng chứng về tuyên bố của mình.
Tạp chí Colombia Semana trích nguồn giấu tên, cho rằng các cựu binh sĩ Colombia đến Haiti sau khi được thuê để bảo vệ ông Moise thay vì ám sát.
Tờ El Tiempo cho hay đoạn phim an ninh từ dinh tổng thống cho thấy cựu binh Colombia đến đây vào khoảng 2h30 sáng ngày 7/7.
“Điều đó có nghĩa là họ đến nơi sau khi vụ ám sát tổng thống xảy ra được một tiếng rưỡi đồng hồ”, nguồn tin cho biết.
Trong khi đó, nghi phạm James Solages, người Mỹ gốc Haiti, khai rằng nhiệm vụ của ông và các đồng sự là bắt sống Tổng thống Moise.
Tuy nhiều chi tiết xoay quanh cuộc ám sát ngày 7/7 chưa có lời giải thích rõ ràng, hãng tin CNN đã dẫn nguồn thạo tin và tường thuật lại cuộc vây ráp và truy đuổi nghẹt thở kéo dài nhiều ngày ở thủ đô Port-au-Prince sau khi Tổng thống Moise bị sát hại.
Giăng bẫy
Một đoạn video lưu truyền trên mạng xã hội từ đêm Tổng thống Moise bị giết ghi lại cảnh cảnh một nhóm người không rõ danh tính, được cho là đàn ông, đã tiếp cận tư dinh tổng thống, bắn chỉ thiên và hét lớn bằng tiếng Anh: “Chiến dịch của DEA đây! Tất cả lùi lại!”. DEA là tên viết tắt của Lực lượng Phòng chống Ma túy Mỹ.
Lực lượng an ninh Haiti có mặt tại hiện trường không lâu sau đó nhưng vẫn không kịp bảo toàn mạng sống của Tổng thống Moise.
Theo CNN, khi lực lượng chấp pháp của Haiti có mặt hiện trường vào rạng sáng 7/7 (giờ địa phương), họ phát hiện 5 chiếc ôtô gần tư dinh của Tổng thống Moise.
Vì lo ngại tổng thống và những người có mặt tại hiện trường bị bắt làm con tin, cảnh sát Haiti đã tránh đụng độ và cho phép đoàn xe rời đi.
Tuy nhiên, hàng trăm nhân viên an ninh Haiti đã tập kích tại một khúc cua gấp ở Route de Kenscoff, con đường chính dẫn vào trung tâm Port-au-Prince.
Bất ngờ đụng độ vòng kiềm tỏa của cảnh sát, 5 chiếc xe nói trên không thể quay đầu trong địa hình hẹp. Nhóm nghi phạm bỏ xe và vũ khí để tìm cách thoát thân. Một vài người nhảy xuống con kênh thoát nước sâu ven đường trong khi một số khác lẩn vào các tòa nhà xung quanh.
Phần lớn nhóm nghi phạm ẩn nấp trong một cửa hàng hai tầng trống trải gần đồn cảnh sát Pétionville.
Sườn đồi nhiều cây cối um tùm phía sau cửa hàng là một lớp chắn giúp các tay súng nấp bên trong không bị tập kích, trong khi những bức tường bê tông dày có chức năng như giáp chống đạn. Dẫu vậy, một số nghi phạm đã không toàn mạng trở ra.
Bao vây và tập kích
Bình minh ngày 7/7, giới chức Haiti thông tin rằng Tổng thống Moise đã qua đời và nhóm nghi phạm bị cảnh sát chặn lại đem theo ít nhất hai con tin, đều là thành viên Đơn vị An ninh Chung của Cung điện Quốc gia Haiti (USGPN).
Cảnh sát Haiti cũng cho rằng họ đang phải đối mặt với một những tay súng đến từ nước ngoài, nhiều khả năng là lính đánh thuê.
“Chúng tôi nghe thấy họ (nhóm nghi phạm) nói chuyện và hét lên bằng tiếng Tây Ban Nha”, CNN dẫn nguồn tin nội bộ cho biết. “Họ trao đổi và biết chính xác mình đang đối mặt với điều gì”.
Sau khi lục soát 5 chiếc xe bỏ lại hiện trường, cảnh sát Haiti phát hiện lượng nước mà nhóm nghi phạm mang theo đã được bỏ lại trong xe. Hiểu rằng độ ẩm khắc nghiệt của đêm mùa hè không gió và thiếu nước uống sẽ làm giảm khả năng phòng thủ của nhóm nghi phạm, cảnh sát Haiti quyết định mai phục và đợi họ rời nơi ẩn nấp.
Khoảng 8h, song song với diễn biến cuộc vây ráp, Jenny Capador, một người phụ nữ ở Colombia, nhận được cuộc gọi từ anh trai Duberney Capador, một cựu binh từng phục vụ quân đội Colombia trong 20 năm.
Jenny Capador nói với CNN rằng anh trai cô gọi từ Haiti, nơi ông đang làm nhiệm vụ bảo vệ một người đàn ông quan trọng.
"Vào sáng 7/7, anh ấy gọi cho tôi, nói rằng nhóm vệ sĩ đã đến nhà của người đàn ông quan trọng kia nhưng quá trễ. Ngôi nhà bị vây kín bởi ngọn lửa và sự hỗn loạn. Nhưng anh ấy bảo tôi đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi nên đừng nói với mẹ về việc này", cô Capador kể lại.
Cô Capador tin rằng anh trai mình đến Haiti để làm "vệ sĩ của một yếu nhân" chứ không phải sát thủ.
Nhiều giờ trôi qua và nhiệt độ tăng lên, đôi bên đều án binh bất động. Cuối cùng, vào lúc 15h, lực lượng an ninh Haiti ném 3 quả lựu đạn hơi cay xuống con đường trước cửa hàng, làm những luồng khí mù lan vào bên trong. Hai bên bắt đầu đàm phán thông qua điện thoại của hai con tin từ USGPN ngay sau đó.
Hai nghi phạm đầu tiên rời khỏi cửa hàng nơi các tay súng ẩn nấp đều là công dân Mỹ gốc Haiti. Hai người này khai nhận họ là thông dịch viên cho nhóm lính đánh thuê. Những người tiếp theo rời cửa hàng là hai con tin từ USGPN.
Sau khi được thả, các con tin báo lại với cảnh sát Haiti rằng nhiều nghi phạm vẫn đang ẩn nấp trong căn nhà bê tông kiên cố và có trang bị súng trường 5,56 mm.
“Ban đầu, chúng tôi không biết đối phương có bao nhiêu người. Sau khi nắm được thông tin rằng khoảng 25 tay súng đang nấp trong tòa nhà, tôi nghĩ: ‘Vậy ra chúng ta đang đối phó với một trung đội’”, CNN dẫn lời của một nguồn tin tham gia cuộc truy bắt.
Một nhóm tiên phong của lực lượng chấp pháp Haiti tiếp cận và chiếm giữ tòa nhà nơi nhóm nghi phạm đang ẩn nấp. Theo nguồn tin của CNN, các tay súng được trang bị vũ khí tốt, thậm chí còn ném lựu đạn về phía cảnh sát nhưng không phát nổ.
Ít nhất ba nghi phạm đã bị bắn hạ khi giao tranh xảy ra. Cuộc đấu súng kéo dài hai giờ đồng hồ, để lại nhiều vỏ đạn và mảnh kính vỡ nằm ngổn ngang. Cảnh sát Haiti ập vào căn nhà bê tông thông qua một lối cửa hậu.
Tuy nhiên, sau khi tiến vào phía trong, lực lượng chấp pháp Haiti phát hiện nhóm nghi phạm đã tẩu thoát.
18 giờ vây ráp
Vào khoảng 21h45, 11 nghi phạm được cho là đã lẩn trốn đến cơ quan đại diện của Đài Loan ở Haiti, cách tư dinh Tổng thống Moise khoảng 2 km.
Việc ẩn nấp tại văn phòng ngoại giao được đánh giá là khôn ngoan. Bởi lẽ, cảnh sát Haiti cần sự cho phép của các nhà ngoại giao Đài Loan trước khi tiếp cận.
Nhân viên bảo vệ duy nhất tại cơ quan đại diện của Đài Loan ở Haiti chỉ được trang bị một khẩu súng ngắn. Sau khi cân nhắc tình hình và nhận thấy bản thân không thể đối đầu với 11 sát thủ có vũ trang, người này quyết định ẩn mình vào một chiếc Toyota RAV4. 11 nghi phạm nói trên không phát hiện nhân viên bảo vệ vì chiếc xe có cửa sổ kính màu.
Người bảo vệ nhanh chóng dùng điện thoại di động gọi cho cấp trên để nhờ họ báo cho cảnh sát sở tại và các nhà ngoại giao Đài Loan.
Khoảng 23h40, nhóm nghi phạm đột nhập vào bên trong cơ quan đại diện của Đài Loan. Tòa nhà không có ai vào thời điểm đó vì các dịch vụ đã ngừng hoạt động và nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà.
Khoảng 1h sáng 8/7, cảnh sát bao vây tòa nhà và ném hơi cay vào trong nhưng không thể ép các tay súng ra ngoài.
Tình thế giằng co kéo dài đến chiều 8/7. Đơn vị phụ trách an ninh ngoại giao trực thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia Haiti đã phối hợp với các thành viên đội bảo vệ tổng thống trong chiến dịch vây bắt.
Sau khi được các nhà ngoại giao Đài Loan bật đèn xanh, cảnh sát Haiti ập vào và chiếm giữ tòa nhà lúc 15h25 chiều 8/7. Nhóm nghi phạm bên trong cơ quan đại diện của Đài Loan được cho là đã đầu hàng mà không kháng cự.
Trong suốt khoảng 18 tiếng vây bắt, nhân viên bảo vệ thuộc cơ quan đại diện của Đài Loan đã ẩn mình trong xe để hỗ trợ cảnh sát Haiti tiến hành chiếm giữ tòa nhà và bắt nhóm nghi phạm.
Một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội ở Haiti cho thấy 11 người đàn ông đã bị bắt tại cơ quan đại diện của Đài Loan với trang phục nhuốm máu, mặc quần jean và mang ủng chiến đấu.
Các bức ảnh do cảnh sát Haiti công bố cho thấy nhóm nghi phạm này được vũ trang với súng trường, giáp chống đạn, rìu và búa tạ.
Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân Haiti đã bắt được hai thành viên trong đội sát thủ khi họ đang lẩn trốn trong một bụi cây ở khu phố Jalousie.
Hai người này sau đó bị trói tay sau lưng và đưa đến đồn cảnh sát. Một người trong số họ không mặc áo. Hiện chưa thể xác định tính xác thực của video này, theo Financial Times.
Cuộc điều tra chưa dừng lại
Cảnh sát Haiti ngày 9/7 cho biết đã xác định được danh tính nhóm người đã ám sát Tổng thống Moise. Ông León Charles, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Haiti, nói trong một cuộc họp báo rằng 26 người trong nhóm 28 sát thủ nói trên là công dân Colombia và hai nghi phạm còn lại là người Mỹ gốc Haiti.
Ông Charles cho biết 17 nghi phạm, bao gồm cả hai công dân Mỹ, đang bị cảnh sát Haiti giam giữ. Ba nghi phạm đã bị cảnh sát bắn hạ trong lúc truy đuổi và tám người khác đang lẩn trốn.
Một số nghi phạm được cho là từng phục vụ DEA với tư cách là người chỉ điểm, theo CNN. Giả thuyết này nhanh chóng được xác nhận bởi DEA trong một tuyên bố: “Một trong những nghi phạm liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise từng là người chỉ điểm cho DEA”.
Tại một cuộc họp báo hôm 11/7, giới chức Haiti thông báo rằng họ đã bắt Christian Emmanuel Sanon, một người đàn ông gốc Haiti từng sống ở bang Florida, Mỹ. Ông Sanon bị cáo buộc đã lên kế hoạch vụ ám sát Tổng thống Moise.
Theo cảnh sát Haiti, thông qua một công ty an ninh Venezuela có trụ sở ở Florida, ông Sanon đã tuyển mộ nhóm cựu binh Colombia để thực hiện vụ ám sát. Tuy nhiên, giới chức Haiti chưa đưa ra bằng chứng cho cáo buộc này.
Tin nổi bật
Tin Video