Văn hóa - Du lịch

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái

(VOVTV) - Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (Yên Bái) là nơi định cư lâu đời của bà con dân tộc Mông. Rừng là nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng; rừng cũng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên... Do vậy, để bảo vệ tốt những cánh rừng nguyên sinh, hàng năm bà con người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức Tết rừng với nhiều nghi thức độc đáo.

10/03/2024 13:00
Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 1.

Theo truyền thống, Tết rừng Nà Hẩu sẽ được tổ chức tại 3 khu vực rừng thiêng của 3 thôn: Ba Khuy, Trung Tâm và Bản Tát của xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Đây là khu rừng đẹp nhất của xã, có nhiều cây to quý hiếm, nhiều động vật đến trú ngụ, người dân gọi là "Khu rừng cấm".

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 2.

Tết rừng có ý nghĩa cảm tạ trời đất, cảm ơn thần rừng, thần núi, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp người Mông Nà Hẩu có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên; cho gia súc, gia cầm phát triển, cho sự trường tồn của các dòng họ, cũng như những cánh rừng nguyên sinh luôn xanh tốt.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 3.

Để chuẩn bị cho Tết rừng, nhân dân trong thôn và thầy mo phải dành nhiều ngày chuẩn bị, như: lựa chọn con lợn đực lông màu đen to, đẹp; con gà trống màu trắng và con gà mái tơ, những con gà này được chọn một cách kỹ lưỡng từ mào đỏ tươi, chân vàng đủ các ngón, lông mượt; xôi ngũ sắc mang đủ màu sắc hoa văn, họa tiết của trang phục dân tộc Mông. Ngoài ra, nhân dân trong thôn cùng nhau phát dọn, vệ sinh môi trường khu vực cúng rừng; trang trí điểm cúng...

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 4.

Phần cúng gồm lễ cúng đồ sống và đồ chín. Mở màn thầy mo sẽ thổi tù và mời thần rừng cùng các vị thần linh ở bốn phương, tám hướng về chứng giám lòng thành của cộng đồng dân bản. Sau khi cúng xong, thầy mo quỳ lậy bốn hướng tạ ơn thần rừng và các vị thần linh, rồi thay mặt dân bản tiễn các vị thần linh về, và một lần nữa nhắc lại mong ước của dân bản là luôn được các vị phù hộ cho mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 5.

Kết thúc phần nghi lễ cúng chính, tại các điểm cúng rừng, thầy mo và người dân trải lá rừng ra ngồi xuống để họp làng đánh giá tình hình bảo vệ rừng năm qua và cùng thề giữ rừng.Dưới sự dẫn dắt của Trưởng thôn, tất cả bà con đồng loạt giơ tay lên cao 3 lần để thề và cùng hô “Pê mông thoàng trì giố giông cu giống” nghĩa là “Người Mông đoàn kết giữ lấy rừng”.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 6.

Sau nghi thức thề giữ rừng, Trưởng thôn và nhân dân bầu ra Tổ tự quản bảo vệ rừng năm mới của thôn, gồm 4 người đàn ông là những người mạnh mẽ, am hiểu về cây rừng và hiểu tập quán của bà con trong thôn.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 7.

Sau khi bầu xong tổ tự quản của năm, tại điểm cúng rừng, nhân dân sẽ tổ chức ăn tết trên rừng. Mỗi người dân khi đến sẽ mang theo 1 cái bát, 1 đôi đũa. Đàn ông mang thêm theo chai rượu, phụ nữ mang theo hộp cơm, muối ớt... Cùng với thực phẩm mang theo, lợn, gà cúng xong sẽ được chia thành các phần để mọi người cùng chung vui.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 8.

Từ những nghi lễ ban đầu, ngày nay Tết rừng Nà Hẩu đã được phát triển thành Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách đến địa phương, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 9.

Tại Lễ hội Tết rừng còn có triển lãm ảnh "Đất và người Văn Yên" thu hút nhiều người dân và du khách

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 10.

Ngoài phần lễ trang nghiêm, phần hội luôn mang đến niềm vui cho mọi người

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 11.

Bà con dân tộc Mông các bản ở Nà Hẩu thể hiện hát đối đáp với nhau

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 12.

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu năm nay còn có không gian chợ quê, với 25 gian hàng của các dân tộc trong huyện Văn Yên.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 13.

Song song với các quy định của nhà nước, bà con dân tộc Mông Nà Hẩu có những luật tục riêng để giữ rừng, do vậy những cánh rừng luôn được bảo vệ tốt.

Độc đáo nghi thức "Tết rừng" ở Yên Bái- Ảnh 14.

Theo quy định của bà con, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hằng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu "rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức "Lễ cúng Thần rừng” hay còn gọi là "Tết rừng”. Năm nay, Tết rừng Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) được tổ chức với quy mô cấp huyện vào ngày 28 và 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 8, 9/3). (Ảnh: Niềm vui của bà con mỗi khi Tết rừng đến)

 

Ý kiến của bạn