Doanh thu giảm, lo ngại về suy thoái và lãi suất tăng dẫn tới làn sóng sa thải nhân viên của các hãng công nghệ lớn ở Mỹ
(VOVTV) - Doanh thu giảm, lo ngại về suy thoái và lãi suất gia tăng đã ảnh hưởng đáng kể tới nhiều hãng công nghệ lớn ở Mỹ và buộc họ phải sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong thời gian qua.
Các công ty công nghệ hàng đầu từng có doanh thu bán hàng tăng vọt trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 khi hàng tỷ người trên toàn thế giới giãn cách xã hội và làm việc ở nhà. Khách hàng thời gian đó quay sang các dịch vụ vận chuyển như thương mại điện tử và kết nối trực tuyến thông qua mạng xã hội và hệ thống hội nghị trực tuyến.
Tuy nhiên, lo ngại về suy thoái, lãi suất gia tăng và việc người dân nối lại các hoạt động thời kỳ trước đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể tới các công ty công nghệ. Xu thế này đã khiến cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn sụt giảm đáng kể và buộc một loạt trong số đó phải sa thải hàng chục nghìn nhân viên nhằm cắt giảm chi phí.
Dưới đây là một số hãng công nghệ lớn của Mỹ đã thực hiện cắt giảm nhân sự trong thời gian qua:
Meta cắt giảm 11.000 nhân viên
CEO của Meta Mark Zuckerberg tuần trước thông báo công ty này sẽ sa thải khoảng 11.000 nhân viên, tương đương 13% nhân lực của công ty này. Meta tháng trước thông báo quý thứ hai liên tiếp bị sụt giảm doanh số bán hàng khi do quảng cáo online giảm và cạnh tranh gia tăng từ TikTok. Giá trị cổ phiếu của công ty này đã giảm 65% trong năm nay.
Ông Mark Zuckerberg cho biết công ty này đang tái cấu trúc nhân sự nhằm tăng hiệu suất nhưng điều này là chưa đủ để cân đối chi tiêu và tăng trưởng doanh thu, do đó Meta buộc phải cắt giảm nhân sự.
Twitter: cắt giảm khoảng 3.700 nhân viên
Ngay sau khi nắm quyền kiểm soát Twitter, tỷ phú Elon Musk đã bắt đầu sa thải một nửa trong số 7.500 nhân viên của công ty này. Trong email với tiêu đề “Vai trò của bạn tại Twitter” gửi tới các nhân viên, công ty này viết: “Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của bạn ở công ty” và email này được gửi tới hòm thư cá nhân của những người bị sa thải. Những người này được nhận bồi thường và những lợi ích từ Twitter cho tới tuần đầu tiên của tháng 1/2023. Những nhân viên bị ảnh hưởng không còn được quyền truy cập các hệ thống của Twitter như email hay Slack. Tỷ phú Elon Musk cho biết ông đã chi quá nhiều, 44 tỷ USD để mua Twitter và đang bị áp lực thúc đẩy lợi nhuận của công ty. Tỷ phú Elon Musk hồi đầu tháng tiết lộ công ty này mất khoảng 4 triệu USD mỗi ngày.
Amazon: cắt giảm khoảng 10.000 nhân viên
Amazon thông báo sẽ sa thải khoảng 10.000 nhân viên, đợt cắt giảm lớn nhất trong lịch sử công ty. Mặc dù con số này chỉ tương đương chưa tới 1% của tổng số 1,5 triệu nhân viên trên toàn thế giới, đợt cắt giảm diễn ra tại thời điểm công ty này thường mở rộng nhân lực trong mùa lễ hội bận rộn. Đợt cắt giảm tập trung vào bộ phận chuyên về các thiết bị như Alexa, hệ thống trợ lý ảo qua giọng nói, cũng như bộ phận bán lẻ và nhân sự.
Cổ phiếu của Amazon đã giảm 18% trong năm nay. Doanh thu trong quý 3 của công ty này giảm so với dự báo của các nhà phân tích và khiến giá cổ phiếu giảm 13% trong ngày thông báo.
Microsoft cắt giảm gần 1.000 nhân viên
Microsoft tháng trước thông báo sa thải gần 1.000 nhân viên với các vị trí và cấp bậc khác nhau trên toàn thế giới. Công ty này cho biết: “Giống như tất cả các công ty khác, chúng tôi thường xuyên đánh giá các ưu tiên kinh doanh để có những điều chỉnh cấu trúc kịp thời. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho các hoạt động kinh doanh và tuyển dụng trong các lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt trong năm tới.”
Ngoài các công ty trên, một loạt các hãng công nghệ lớn của Mỹ cũng đã tiến hành cắt giảm hàng nghìn nhân viên như Lyft, khoảng 700 nhân viên; Stripe, khoảng 1.100 nhân viên; Redfin, khoảng 860 nhân viên; Robinhood; 23% nhân lực; và Coinbase, khoảng 1.100 nhân viên.
Tin nổi bật
Tin Video