Doanh nhân cần chuyển đổi tư duy để đóng góp nhiều hơn cho quốc gia
(VOVTV) - Ngày 12/10, Học viện doanh nhân CEO Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo “Khác biệt Tư duy quản trị và tư duy quản lý” nhằm giúp chủ doanh nghiệp nắm bắt được sức khỏe của doanh nghiệp mình thông qua bộ thông số quản trị toàn diện, từ đó vận hành doanh nghiệp hiệu quả. Hội nghị có sự tham gia của gần 500 chủ doanh nghiệp khắp cả nước.
Hiện, cả nước có 900.000 doanh nghiệp, trong đó 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế thống kê cho thấy, hơn 80% lãnh đạo các công ty đều xuất thân từ nghề bán hàng. Các chủ doanh nghiệp này thường có chuyên môn rất giỏi về nghề nhưng lại hổng về tư duy quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, nâng cấp quản trị là yếu tố sẽ giúp các doanh nghiệp này cải thiện sức cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.
Tại Hội thảo "Khác biệt Tư duy quản trị và tư duy quản lý" do Học viện doanh nhân CEO Việt Nam tổ chức, ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global đã chỉ ra những biểu hiện của nhà quản trị nhưng lại dùng tư duy quản lý để vận hành doanh nghiệp.
Theo ông Ngô Minh Tuấn tư duy quản lý chính là doanh nghiệp tìm cách tiết giảm chi phí, còn nhà tư duy quản trị là tìm cách đầu tư, mang lại hiệu quả kinh doanh.
"Nếu như nhà quản lý suốt ngày phải đi tìm tòi, quan sát, giám sát từng nhân viên, từng việc một để tối ưu chi phí nhất. Thì nhà quản trị họ không làm việc đó, họ sẽ hoạch định và đánh giá việc đầu tư có hiệu quả hay không, để xây dựng toàn bộ luật chơi để đẩy cho quản lý chơi theo luật", ông Tuấn phân tích sự khác biệt giữa tư duy quản lý và tư duy quản trị.
Ông Ngô Minh Tuấn cho rằng, vấn đề mà các doanh nghiệp dùng tư duy quản lý để vận hành sẽ gặp phải một số vấn đề như: Dễ chia phe phái giữa chủ doanh nghiệp và người làm việc, thành hai phe (phe nó và phe mình). Bởi, người tư duy quản lý (chủ doanh nghiệp-PV) luôn đi giám sát, tiết chế chi phí của nhân sự, làm cho nhân sự không đủ nguồn lực để làm việc, thậm chí nhân viên không đủ thu nhập để sống, điều đó làm xung đột nội bộ.
"Thêm nữa, khối lượng công việc của nhà quản lý quá lớn, bởi phải đi giám sát từng việc, từng cán bộ công nhân viên, một ngày chỉ có 8 tiếng làm việc mà quá nhiều việc nên dẫn tới họ rất bận.
Cùng với đó, khi số lượng cán bộ nhân viên đông lên thì khối lượng công việc giám sát tăng lên, đồng nghĩa với công việc bị vỡ. Dẫn tới việc có rất nhiều người khi quản lý một doanh nghiệp nhỏ, dùng tư duy quản lý thì sống, nhưng khi đông nhân sự mà vẫn dùng tư duy quản lý thì doanh nghiệp bị phá sản vì mất kiểm soát", ông Ngô Minh Tuấn nêu ví dụ từ việc doanh nghiệp dùng tư duy quản lý để quản trị doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp đang gặp phải những vướng mắc nêu trên, ông Ngô Minh Tuấn cho biết, tại Học viện doanh nhân CEO Việt Nam chủ doanh nghiệp sẽ được xây dựng hệ tư tưởng một cách rõ ràng.
"Theo tôi, vấn đề lớn nhất để triển khai doanh nghiệp là nằm ở trí tuệ con người, hình thái doanh nghiệp có 4 nhóm doanh nghiệp căn bản: Một là nhóm thuần túy là vận hành giống người khác, bắt chước như: tôi cắt tóc thì bạn cũng mở quán cắt tóc, không tạo ra điều gì mới.
Hai là nhóm công cụ là thuần túy làm việc đi gia công cho những tầng cao hơn. Ví dụ ở nước ngoài có thể thiết kế ra bản vẽ để may cái áo, họ cấp vải và chúng ta chỉ là người may thì đó là gia công. Nếu được trả lương cho công việc thuần túy như thế này thì thu nhập rất thấp.
Cao hơn nữa là doanh nghiệp vận hành bằng tư duy, như việc mở một doanh nghiệp ra xây dựng toàn bộ hệ thống, vận hành quy trình sau đó mang đi update cho đơn vị khác. Về bản chất việc này làm một lần nhưng tạo ra giá trị nhiều lần cho nhiều nơi. Việc vận hành bằng tư duy điều này doanh nghiệp Việt đang rất rất thiếu, họ không làm được điều đó. Nếu như vậy thì chúng ta chỉ lao động ở mức rẻ mạt, thuần túy học theo nhau để cạnh tranh, như thế rất lộn xộn về tầng lớp doanh nhân.
Tầng cao nhất là tầng tư tưởng, khi chủ tịch của một tập đoàn sinh ra tập đoàn thì bám chặt vào tư tưởng vì mình hay vì quốc gia này, tất cả những thứ họ làm tập trung hết nguồn lực vì quốc gia, để xây dựng lên một văn hóa và một thế hệ doanh nhân trong tương lai giàu đẹp. Đây gọi là người có tư tưởng rõ nét", ông Ngô Minh Tuấn cho biết.
Ông Ngô Minh Tuấn chia sẻ, doanh nhân Việt Nam hiện nay có nhóm hình thái như đã nêu, tuy nhiên tầng tư tưởng để làm rất nhiều việc có giá trị thì hiện nay đang rất thiếu.
Vì vậy, theo ông Ngô Minh Tuấn, khi chủ doanh nghiệp đến với Học viện doanh nhân CEO Việt Nam, mục tiêu lớn nhất là phải chuyển đổi họ từ việc vận hành doanh nghiệp theo tư duy bắt chước sang tư duy sáng tạo để mang lại giá trị. Cao hơn nữa là làm cho họ có tư tưởng vì quốc gia này thay vì nặng vì cá nhân nhiều hơn.
Thông qua buổi hội thảo, ông Ngô Minh Tuấn khát vọng khi các chủ doanh nghiệp họ không làm quản lý nữa thì sẽ rút ngắn được thời gian, nhìn toàn cảnh ra thế giới, nâng tầm tư duy và tư tưởng để có thể quản trị, vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả và bền vững nhất.Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Ngô Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO Việt Nam Global cho biết, qua trao đổi với hàng nghìn doanh nghiệp, ông nhận thấy trong số đó ít doanh nghiệp có tư duy quản trị và vận hành doanh nghiệp theo kiểu một mình mình làm tất nên không hiệu quả. Đó là lý do vì sao ông nghĩ ra khóa học để dạy cho doanh nhân, tránh tình trạng doanh nhân sa đà vào quản lý để có thời gian nâng được tầm tư duy và tư tưởng để vừa kiếm tiền và vừa mang lại giá trị cho xã hội./.
Tin nổi bật
Tin Video