Tin tức

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng dầu tăng

(VOVTV) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu liên tục “leo thang” khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì không có khách, thu không đủ chi. Không chỉ các nhà xe lớn, Đồng thời, nhóm tài xế taxi, xe ôm công nghệ cũng điêu đứng khi thu nhập hiện nay sụt giảm đáng kể.

Tác giả Gia Linh / VOV
18/03/2022 16:50

Nhiều ngày nay, nhà xe Gia Huy chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội – Ninh Bình đã rơi vào cảnh vắng khách, thua lỗ do dịch bệnh diễn biến phức tạp và xăng dầu liên tục tăng giá. Trung bình mỗi chuyến xe phải tốn nhiều chi phí như: Xăng, dầu xe, tiền ăn uống, tiền công cho tài xế, phụ xe, tiền thu phí...

Doanh nghiệp vận tải lao đao vì giá xăng dầu tăng - Ảnh 2.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu liên tục “leo thang” khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao vì không có khách, thu không đủ chi

Ông Trần Trung Sơn, nhà xe Gia Huy cho biết: Do dịch bệnh, từ sau Tết, lượng khách đi xe không ổn định, chuyến nào nhiều khách là hơn 10 người, còn có chuyển chỉ được 5-6 khách với mức giá vé không đổi so với những năm trước:

“Xe của tôi chạy cố định lượng khách chủ yếu là khách quen thôi mình tăng giá cũng khó mà dân làm ăn cũng khó khăn thì cũng khó khăn. Chạy thì toàn hòa với bù lỗ thôi. Nói chung là cứ một ngày về thì nếu đi hai quay thì thời điểm này lỗ dao động từ 5 trăm đến 1 triệu/ngày, may thì hòa không thì lỗ. Xe có 29 chỗ lên được 6 người lúc về chắc được chục người.”

Tương tự như nhà xe Gia Huy, nhều nhà xe cũng lâm vào tình trạng điêu đứng khi giá xăng dầu liên tục tăng cao. Bên cạnh đó, do ảnh hường của dịch bệnh, nhiều người dân vẫn còn tâm lý e ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng nên lượng khách giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của nhà xe. Trước tình hình đó, nhiều nhà xe buộc phải cắt giảm số chuyến cũng như số xe xuất bến bởi xe cứ xuất bến là cầm chắc lỗ.

“Giá xăng tăng, khách ít đi lại. Mong muốn hết dịch bệnh, trở lại bình thường, số lượng khách thì tương đối hơn, sẽ có hy vọng về kinh tế. Bởi bây giờ đi thì chỉ mong cầu hòa. Đợt vừa rồi lên đến 4-5 nghìn/ lít dầu thành ra vất vả hơn. Xe 29 chỗ khi chưa dịch chở 25-27 chỗ giờ chỉ chở 5-7 người.”

“Tuyến cắt nhiều, giờ chỉ đi được 4 xe. Lượng xe đi lại ít quá, không có khách, buộc phải cắt giảm đi, không thể chạy đều, không đủ chi phí, chủ yếu là đi cầm cự. Một xe đi bình thường là lỗ 2 triệu. Giờ phải dồn xe lại thì để đi thôi chứ không thể đi đều được. Trên thực tế thì tăng cũng không thể đủ để mà đi.”

Xăng tăng giá không chỉ tác động đến các dịch vụ vận tải, mà còn đến những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như các tài xế, xe ôm công nghệ...

“Nghề taxi như đi câu, ngày được ngày không, ngày kiếm được 100-200 nghìn nhưng bây giờ kiếm được 100-200 nghìn cũng khó. Giá xăng dầu tăng cao quá, anh em chúng tôi làm không đủ ăn, trước xăng dầu hạ thì đi làm còn có tiền để sinh hoạt. Bây giờ giá xăng cao quá, khách thì ít, để làm ăn được thì khó khăn lắm.”

“Xăng dầu lên nhưng cước phí vận chuyển bên mình không tăng nên thành ra cũng vất vả. Giờ không làm thì không đảm bảo được cuộc sống mà cứ ra đường đổ 60 nghìn tiền xăng mà đến trưa là hết rồi, chỉ chạy được 3-4 tiếng, mà tiền chưa thấy đâu, xăng như là uống nước vậy.”

Hiện nay, chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ từ 30-35% cơ cấu giá cược vận tải. Trước đó, Grab - hãng taxi công nghệ có quy mô lớn nhất ở Việt Nam đã thông báo tăng cước tất cả dịch vụ từ 10/3 để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, hãng xe này tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Tuy nhiên ngược lại với hãng taxi công nghệ, các đơn vị vận tải vẫn đang "án binh bất động" để theo dõi diễn biến xăng dầu có ổn định lại rồi mới tính toán xin điều chỉnh mức giá phù hợp.

Ý kiến của bạn