Doanh nghiệp vận tải kiến nghị thay đổi cách xét nghiệm Covid-19 cho lái xe
Nhiều đơn vị vận tải “luồng xanh” gặp khó khi phải bỏ ra khoản chi phí lớn để xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe. Hơn nữa, việc mỗi địa phương áp dụng một kiểu cũng đang làm khó cho vận tải...
Các doanh nghiệp vận tải, lái xe chở hàng “luồng xanh” đang gặp nhiều rắc rối vì phương pháp, thời hạn tính kết quả xét nghiệm COVID-19 đang được các địa phương áp dụng không đồng nhất, thậm chí có nơi còn yêu cầu lái xe phải test tới 3 lần cho cùng một chuyến hàng lưu thông. Điều này đã trở thành gánh nặng lớn cho doanh nghiệp vận tải và gây áp lực cho lái xe phải lấy mẫu test.
Đi đến địa phương nào cũng phải “ngoáy mũi”
Anh Nguyễn Quang ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở: Đoàn xe của anh di chuyển từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, dù có giấy xét nghiệm PCR âm tính COVID-19 nhưng cứ đến tỉnh nào, cả đoàn cũng bị yêu cầu phải xét nghiệm (test).
“Thậm chí đêm hôm trước mọi người đã lấy mẫu có kết quả âm tính rồi, sáng hôm sau di chuyển sang địa bàn khác lại bị lôi ra xét nghiệm”, anh Quang cho hay.
Còn anh Nguyễn Thanh Bình, lái xe tải vận tải luồng xanh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội than phiền rằng, để bảo đảm vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành, cứ 3 ngày anh lại phải đi test nhanh COVID-19.
Tuy nhiên, nếu có chuyến hàng đi tỉnh, thì dù mới đi test nhanh COVID-19 thì lại phải tiếp tục đến CDC làm xét nghiệm PCR theo quy định riêng của một số tỉnh, thành. Như vậy, mỗi chuyến xe lại phải cõng thêm chi phí lên hàng trăm nghìn đồng so với trước khi dịch bùng phát.
“Bình thường tôi phải test 2 loại nếu đi đúng tuyến tỉnh, quá mất thời gian và tốn kém chi phí. Chúng tôi mong muốn với xe đường dài nên giãn thời gian test chứ không chi phí doanh nghiệp phải chi cho xét nghiệm nhiều quá. Tôi mong Bộ Y tế, các bộ ngành giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn hiện nay”, anh Bình kiến nghị.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh, xe ngoại tỉnh đến Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc, lái xe phải xét nghiệm liên tục.
“Đối với xe ngoại tỉnh đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc, lái xe phải xét nghiệm COVID-19 đến 3 lần, trong đó có 2 lần xét nghiệm PCR và một lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng: Quy định của Quảng Ninh và Móng Cái về xét nghiệm PCR cho lái xe thực hiện không đúng chỉ đạo của Chính phủ và các quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT.
Theo đó lần thứ nhất, theo chỉ đạo tại Công văn số 5630/UBND-DL1 ngày 19/8 của UBND tỉnh Quảng Ninh, khi đi vào tỉnh Quảng Ninh, lái xe phải xuất trình kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở tỉnh khác có giá trị trong vòng 48h tính từ giờ lấy mẫu.
Lần thứ hai, theo Công văn số 4227/UBND-VP ngày 6/9/2021 của UBND thành phố Móng Cái, lái xe phải xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên trước khi được phép đi vào khu vực cửa khẩu Móng Cái.
Lần thứ ba, theo Công văn số 3577/UBND-BQLCK ngày 3/8/2021 của UBND thành phố Móng Cái, lái xe tiếp tục phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu.
"Việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe. Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực Cửa khẩu Móng Cái dù đã giao nhận xong hàng hóa nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc hôm sau mới được rời đi, phát sinh chi phí rất lớn cũng như tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Doanh nghiệp đã khó khăn vì COVID-19, nay càng kiệt quệ khi buộc phải xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Móng Cái”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nói.
Giá xét nghiệm mỗi nơi một mức
Theo ông Trần Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Bắc Nam, vấn đề xét nghiệm lái xe đang được các địa phương áp dụng không đồng nhất về phương pháp cũng như công nhận mốc thời gian có kết quả xét nghiệm.
“Chi phí test COVID-19 cho lái xe chở hàng đang là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Với khoảng 250.000 đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong 72 giờ, phí xét nghiệm cho một lái xe mất khoảng 3.000.000 đồng/tháng, lớn hơn mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng”, ông Bắc cho biết.
Với một đội xe khoảng 250 đầu xe như tại Công ty Bắc Nam, chi phí xét nghiệm lái xe hiện là 600 triệu đồng/tháng. Ròng rã 18 tháng qua, công ty vẫn phải gánh chi phí phát sinh này.
Chưa hết, theo ông Đặng Thế Phương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại Vận tải XNK Tùng Anh: Hiện nay giá xét nghiệm test nhanh và PCR mỗi nơi niêm yết một giá khác nhau, không có mức cố định. Đơn cử giá xét nghiệm PCR dao động từ 850.000 đến 1,6 triệu đồng/lần/người.
Nếu doanh nghiệp có 60 lái xe đang chạy mà 3 ngày xét nghiệm 1 lần PCR, một tháng chi phí đội lên cả tỷ đồng. Với khoản chi phí này, nhiều doanh nghiệp cực chẳng đã đành giao hàng chậm hoặc giảm 50% hoạt động chạy xe.
“Dịch này tồn lại lâu dài, không phải 1 ngày 2. Nếu tồn tại lâu dài mà theo cách làm của từng tỉnh thì việc doanh nghiệp phá sản, đứt gãy chuỗi cung ứng, khó phục hồi sản xuất sau khi dịch lắng xuống”, ông Phương bày tỏ.
Theo các doanh nghiệp dịch vụ logistics, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công thương cũng như các địa phương cần thống nhất chấp nhận việc lái xe chỉ cần xét nghiệm PCR một lần/tháng nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Đối với lái xe chưa tiêm đủ, cần có kết quả test nhanh trong vòng 72 giờ để giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Chi phí tăng khi phải xét nghiệm COVID-19, nhiều lái xe bỏ việc dẫn đến thiếu hụt lái xe vận chuyển tiêu thụ hàng nông sản trầm trọng, đặc biệt ở các phía Nam.
Trước thực tế này, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị cấp thẻ xanh cho lái xe đã tiêm 2 mũi vaccine, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thương hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, quy trình vận tải hàng hóa lưu thông trên đường những ngày qua của doanh nghiệp và lái xe gặp nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát phòng dịch với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên. Nhiều xe vận chuyển rau củ quả tươi sống, với áp lực thời gian vận tải nhanh, hàng hóa nhiều khi chưa được bao gói theo đúng quy cách, chưa được kiểm soát tận gốc, do đó cũng phát sinh khó khăn...
"Vận tải hàng hóa hiện vẫn có thể hoạt động được, nhưng doanh nghiệp và lái xe cần được tạo điều kiện hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi từ địa phương vùng dịch", ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, đồng ý cho lái xe tiêm đủ 2 mũi vaccine miễn xét nghiệm COVID-19 hoặc cho kéo dài thời hạn có hiệu lực xét nghiệm âm tính để giảm bớt tình trạng thiếu hụt lái xe.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đại dịch phức tạp, đặc biệt biến thể siêu lây nhiễm Delta, không cá nhân và tổ chức nào có động cơ che giấu trình trạng sức khỏe của mình và nhân viên của mình. Với những kinh nghiệm đã có, Bộ Y tế hoàn toàn đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đúng thời hạn đã được quy định trong Nghị quyết 105/NQ-CP.
Bộ GTVT cũng đã đề nghị các tỉnh, thành đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lái xe vận chuyển hàng hóa, thống nhất quy trình kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi, giảm áp lực, chi phí cho doanh nghiệp vận tải.
Tin nổi bật
Tin Video