Doanh nghiệp mì gói lo đứt gãy nguyên liệu sản xuất
Nguyên liệu đầu vào thiếu hụt, trong khi lao động thực hiện '3 tại chỗ' giảm mạnh khiến các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền gặp khó, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Nhiều ngày nay, chị Mai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải đến 2, 3 cửa hàng thực phẩm mới mua được loại mì ăn liền gia đình chị thường xuyên sử dụng. Thậm chí, một số tiệm hóa lớn cũng cho biết nhiều loại miến khô và mì gói đã hết.
Bà Tư, chủ cửa hàng tạp hóa tại quận Bình Thạnh cho biết hiện nay chỉ còn mì 3 miền và mì Omachi, số còn lại chưa biết khi nào về vì thời điểm này vận chuyển tăng giá, nhập hàng khó.
Thực tế, trong những ngày giãn cách xã hội, việc đi mua thực phẩm thường xuyên cũng hạn chế, thì mì gói, miến, phở khô hay các loại đồ hộp là sản phẩm rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, gần đây các mặt hàng này xuất hiện tình trạng thiếu hụt.
Trao đổi với Zing, ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam (doanh nghiệp có thị phần lớn trong ngành mì ăn liền) - thừa nhận hiện nay công ty gặp phải một số khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa vì các đối tác vận tải của doanh nghiệp có xuất hiện ca nhiễm Covid-19.
"Theo đó, công ty không đủ xe tải vận chuyển hàng, gây ảnh hưởng đến việc giao hàng cho các nhà phân phối, các hệ thống siêu thị, và ảnh hưởng đến việc trung chuyển thành phẩm giữa các chi nhánh của công ty", ông nói.
Thiếu hụt nguyên liệu sản xuất
Ông Kajiwara Junichi thừa nhận thời gian gần đây tổng sản lượng sản xuất của công ty bị giảm so với bình thường do tình hình dịch bệnh phức tạp, cộng với việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
"Hiện nay số lao động đăng ký '3 tại chỗ' chỉ chiếm khoảng một nửa tổng số lao động, do đó sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so với bình thường, điều này dẫn đến một vấn đề lớn là nguồn cung của chúng tôi đang không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường", ông chia sẻ.
"Nguồn cung của chúng tôi đang không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường".
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam.
Tương tự, Uniben - đơn vị sản xuất thương hiệu 3 Miền, Reeva, Boncha và Joco cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng đủ hàng hóa cho các nhà phân phối, điểm bán tại TP.HCM.
"Đặc biệt, khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào khiến sản lượng giảm", đại diện Uniben cho hay.
Đồng thời, khâu giao nhận nguyên vật liệu, vận chuyển hàng hóa cho các nhà phân phối, các hệ thống siêu thị của doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn từ phía các đối tác vận tải. Chẳng hạn, việc xét duyệt đăng ký QR code cho xe tải rất khó khăn và mất nhiều thời gian, lái xe phải thường xuyên xét nghiệm, nhưng lại chưa thống nhất được quy định ở các chốt.
"Ví dụ, Có chốt đồng ý PCR, có chốt không, có chốt đồng ý test nhanh, có chốt lại không chấp thuận gây ra khó khăn cho lái xe khi không biết phải chọn xét nghiệm gì", đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết hiện nay một số công ty thực phẩm áp dụng mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể sử dụng 50% lực lượng lao động nên không đủ công nhân sản xuất, dẫn đến hàng hóa bị thiếu.
"Bên cạnh đó, tất cả nguồn nguyên vật liệu của ngành chế biến lương thực, thực phẩm đều xuất phát từ các tỉnh đưa về TP.HCM bị ách tắc nên thời gian gần đây bắt đầu có tình trạng thiếu mì gói", bà nói.
Bà Chi nêu ví dụ, trước đây các cánh đồng hành lá của Bà Rịa - Vũng Tàu đến ngày thu hoạch, thương lái đến mua chất lên xe đưa lên nhà máy ở TP.HCM. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, họ không thuê xe vận chuyển được.
"Trong khi đó tất cả nhà sản xuất chỉ cần đứt mặt hàng hành lá thì gói nêm mì ăn liền thiếu hành, sẽ không thể cung ứng ra thị trường. Ngành thực phẩm đóng cửa sản xuất thì lấy đâu lương thực cung ứng cho xã hội”, bà nói.
Gỡ khó chuỗi cung ứng nguyên vật liệu
Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cho biết để đáp ứng phương án "3 tại chỗ", doanh nghiệp đã nỗ lực cải tạo một số mặt bằng tại nhà máy và tòa nhà lân cận để người lao động có thể sinh hoạt.
"Tuy nhiên, khu vực sinh hoạt của công nhân được trang bị trong thời gian rất ngắn, không có không gian riêng tư nên không thực sự thoải mái như ở nhà. Bên cạnh đó, do không được gặp gia đình một thời gian dài nên người lao động có tâm lý lo lắng", ông nói.
"Hiện tại Acecook cũng đang tập trung sản xuất và cung ứng một số sản phẩm chủ lực của công ty, đảm bảo hàng hóa kịp thời ra thị trường", Tổng giám đốc Acecook Việt Nam nhấn mạnh.
Đại diện Uniben cũng đề xuất chính quyền tỉnh Bình Dương tạo điều kiện để lao động của doanh nghiệp làm việc tại nhà máy được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất, giúp yên tâm tăng ca sản xuất, cung cấp nhu yếu phẩm đến người dân kịp thời.
Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đề xuất cho phép doanh nghiệp có thể tìm các loại gia vị, hương liệu, phụ gia khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm.
Đồng thời kiến nghị TP.HCM đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối với các tỉnh, thành, căn cứ nhu cầu với tiêu thụ nông sản để tiếp nhận thông tin, đảm bảo lưu thông thuận lợi.
Ngoài ra, bà Chi cho biết hiện có đến 70% doanh nghiệp của ngành lương thực, thực phẩm đang bán bù lỗ và bán huề vốn. Bởi tất cả nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tại chỗ cho công nhân đều tăng.
"Mặt hàng mì ăn liền không nằm trong danh mục bình ổn giá nhưng các doanh nghiệp đều thống nhất chịu lỗ, chịu huề vốn để góp phần cho thành phố chống dịch. Các doanh nghiệp vẫn kiên trì giữ giá", bà thông tin.
"Thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta nghĩ mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm, thuốc men…mới được lưu thông nhưng lại quên đi mục tiêu kép, quên đi việc phát triển sản xuất".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại cuộc họp trực tuyến với 2 tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thừa nhận: "Thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta nghĩ mặt hàng thiết yếu là lương thực thực phẩm, thuốc men… mới được lưu thông, nhưng lại quên đi mục tiêu kép, quên đi việc phát triển sản xuất".
Bộ trưởng cho rằng phải nhìn nhận lại những cơ sở chế biến trong ngành nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu, qua đó tác động đến đời sống của hàng triệu người nông dân.
"Nếu những cơ sở này phải đóng cửa sẽ làm ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân, thậm chí làm đứt gãy chu kỳ sản xuất. Chính vì thế các địa phương cần phải ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động sản xuất trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Tin nổi bật
Tin Video