Kinh doanh

Doanh nghiệp cao su lao đao vì chính sách thuế

(VOVTV) - Hằng năm, đóng góp của ngành cao su đối với ngân sách Nhà nước gồm các sản phẩm chính từ cao su thiên nhiên, sản phẩm công nghiệp cao su và gỗ cao su vào khoảng 7 đến 8 tỷ USD. Ngành cao su cũng góp phần tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh quốc phòng, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả Nguyễn Quang / VOV TP.HCM
11/11/2022 14:29

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cao su, xuất khẩu cao su vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức, trong đó có chính sách thuế còn nhiều bất cập làm giảm tính cạnh tranh, khó khăn chồng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Bất cập từ chính sách thuế

Từ năm 2015, Công ty Cao su Chư Prông được UBND tỉnh Gia Lai cấp quyết định số 77/QĐ-UBND chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất với 14 thửa đất. Tuy nhiên, quá trình ký hợp đồng, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này chỉ ký 11 thửa đất, thiếu 3 thửa với diện tích gần 790ha. Do 3 thửa đất bị thiếu không có đơn giá nên không thể thực hiện việc nộp thuế theo đúng chu kỳ kinh doanh. 

Hàng năm, công ty này vẫn tiếp tục làm hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất đối với diện tích theo đúng hợp đồng và 3 thửa đất trên không được giải quyết miễn, giảm theo quy định về việc có sử dụng lao động người dân tộc thiểu số. Vừa qua, cơ quan Thuế tiến hành truy thu thuế đối với 3 thửa đất này từ năm 2001 đến 2020.

z3867610690377_c776ee293ab003c7bf6abdf39cf3e67f.jpg

Nhiều chính sách thuế chưa hợp lý khiến doanh nghiệp cao su khó khăn chồng khó khăn

Theo bà Trần Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Prông, việc truy thu thuế chưa phù hợp là tình trạng phổ biến mà nhiều doanh nghiệp cao su đang vướng mắc. Riêng tại tỉnh Gia Lai, Công ty Cao su Chư Prông và Công ty Cao su Măng Giang cũng đang gặp vấn đề khó gỡ này. Vừa qua Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến gửi chính quyền địa phương về sự chưa phù hợp trên nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Cũng theo bà Thủy, khung giá đất được áp để truy thu thuế hiện nay cao gấp hàng chục lần so với thời điểm 2001, chưa kể ngành thuế truy thu trùng thuế.

Đại diện Công ty Hoa Sen Vàng, TP.HCM cho biết, doanh nghiệp hoạt động đã 17 năm, nhiều năm liền được Bộ Công thương bình chọn là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và thuộc diện "hoàn thuế trước, kiểm tra sau" trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Từ tháng 10/2021 đến nay, số tiền hoàn thuế chờ cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ đã lên đến gần 100 tỷ đồng.

z3867612949509_2f35d36262fe2c64e6d0abb445fc486f.jpg

Hằng năm, đóng góp của ngành cao su đối với ngân sách Nhà nước từ 7 đến 8 tỷ USD

Đây là tình trạng khá phổ biến mà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cao su đang gặp phải. Bà Phan Lệ Thu, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Cao su Hòa Thuận, TP.HCM cho biết, từ năm 2021 đến nay, các công ty xuất khẩu cao su chưa được các cơ quan thuế giải quyết về thuế giá trị gia tăng. Số tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn thuế của các doanh nghiệp, nhiều nhất lên tới cả trăm tỷ đồng, ít thì cũng 20 đến 30 tỷ đồng. Tiền hoàn thuế chưa được nhận, doanh nghiệp thì luôn cần vốn, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng lên, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.

Gỗ cao su không được xem là nông lâm sản thông thường?

Ngoài vấn đề giá đất đóng thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc lớn liên quan tới chính sách thuế khác. Cụ thể như, hiện đang vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), quy định hiện nay là thu nhập từ thanh lý các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi; thu nhập từ việc bán phế liệu phế phẩm liên quan đến các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy sản... thì được miễn thuế thu nhập. Nhưng thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su lại phải chịu mức thuế thu nhập hiện hành là 20%. Đây là một điều bất hợp lý. Vì cũng như những mặt hàng nông sản khác, việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và thanh lý cây cao su được thực hiện theo một chu kỳ liên tục. Việc thanh lý cây cao su cũng giống như các loại cây trồng, vật nuôi khác.

z3867615698077_4874caa524447f011bdb051b5348c8e6.jpg

Hiệp hội Cao su Việt Nam mong muốn các bộ ngành sớm xem xét, điều chỉnh chính sách thuế linh hoạt, sát thực tiễn

Cũng liên quan đến chính sách thuế, nhiều doanh nghiệp cho rằng trong thời gian xây dựng cơ bản ở chu kỳ mới, diện tích cao su tái canh chưa có sản phẩm, nên chưa có doanh thu, lợi nhuận và không có nguồn để nộp tiền thuê đất. Để thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản của diện tích cao su tái canh chưa có nguồn thu, doanh nghiệp buộc phải vay vốn, thêm áp lực về tài chính, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay. Với những áp lực về thuế như trên, Hiệp hội Cao su Việt Nam mong muốn các bộ ngành có liên quan sớm xem xét, điều chỉnh linh hoạt để ngành cao su phát triển xứng tầm với tiềm năng, có những đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn