Kinh tế

Đô thị thông minh cần được bắt đầu từ quy hoạch thông minh

VOV.VN - Phát triển đô thị thông minh có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

22/10/2020 11:49

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020), sáng 22/10 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức hội thảo với chủ đề “Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị”.

Sau gần 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, khu vực đô thị không chỉ thúc đẩy nhanh tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế như hệ thống đô thị của Việt Nam phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn; chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng chậm được thu hẹp; nhiều vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông chưa được giải quyết…

Nhiều đại biểu nhận định, trong bối cảnh dịch vụ số, nền kinh tế số đang phát triển nhanh thì hiện nhiều lĩnh vực chưa theo kịp, chưa phát huy hết được năng lực của các bên về nhu cầu của thị trường, tiềm năng khi mở rộng sang các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, ra các quyết định quản lý phát triển đô thị…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, theo kinh nghiệm thành công của nhiều nước, để hướng tới mục tiêu làm đô thị thông minh cần bắt đầu từ công tác quy hoạch thông minh, xây dựng các công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch với việc lồng ghép những nội dung này vào chiến lược đô thị hóa

Trong dự thảo Chiến lược phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: Phát triển đô thị thông minh chính là một trong những trụ cột, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.

“Việc xây dựng đô thị thông minh một cách bài bản, theo quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình, kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói.

Tại hội thảo, các vấn đề như: Phát triển liên kết vùng trên cơ sở các đặc trưng đô thị; Xây dựng tầm nhìn dài hạn và quy hoạch định hướng phát triển đô thị thông minh; quản lý quá trình phát triển của đô thị; Nâng cao khả năng dự báo, đảm bảo khả năng chủ động thích ứng với các biến động; Thiết lập chiến lược xây dựng kế hoạch tổng thể cho thành phố thông minh và Hợp tác liên thành phố trong xây dựng đô thị thông minh và cơ chế tham vấn cũng được các đại biểu cùng nhau thảo luận và đưa ra nhiều khuyến nghị trong thời gian tới.

Theo ông Kapil Chaudhery - Nhà quy hoạch đô thị, Giám đốc Công ty Decisions Ấn Độ, phát triển đô thị thông minh bài học đầu tiên đó là phải hướng đến cộng đồng, con người phải là chủ thể quan trọng nhất.

Cùng với đó Chính quyền cần nâng cao năng lực để đưa ra quyết định nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân nhiều hơn nữa. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển kinh tế, không chỉ đơn thuần đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất mà cần quan tâm đến sự thay đổi nâng cao năng lực và nhận thức của người dân trong bối cảnh mới:

“Trong tất cả những lĩnh vực xã hội, để phát triển đô thị thông minh cần khuyến khích sự tham gia trực tiếp của cộng đồng. Việc tham gia này sẽ là những tư vấn khiến cho đô thị thông minh hơn. Ở Ấn Độ, tất cả các cấp trong xã hội đều có sự tham gia của người dân. Ấn Độ đặc biệt chú trọng, khuyến khích sự có mặt của người dân, cộng đồng từ cấp nhỏ nhất đến cấp cao nhất”, ông Kapil Chaudhery tư vấn./.

Nguyễn Hằng/VOV1
Ý kiến của bạn