Khám phá

Đỉnh Everest cao hơn số liệu chính thức 86cm

Đỉnh núi cao nhất thế giới Everest nằm trên biên giới Nepal – Trung Quốc thực tế cao hơn 86 cm so với các số liệu chính thức. Đây là thông tin được công bố ngày 8/12, sau quá trình khảo sát và đo đạc chung giữa Nepal và Trung Quốc.

Tác giả Phan Tùng / VOV New Delhi
08/12/2020 18:14

Cập nhật chiều cao chính thức của đỉnh Everest nằm trên dãy Himalaya là 8.848,86 mét. Con số này có thể biến động tùy thuộc vào lượng băng tuyết bao phủ trên đỉnh ngọn núi này. Như vậy, ngọn núi này đã cao hơn 86cm so với lần đo năm 1954 do Cục Khảo sát Ấn Độ tiến hành. 

Trong khi đó, số liệu đo đạc chính thức mà Trung Quốc tiến hành là 8.844,43 mét, thấp hơn 4 mét so với con số mà Ấn Độ và Nepal công bố. Sự khác biệt này là do Trung Quốc chỉ tính tới phần đá gốc trên đỉnh núi, trong khi Nepal lại gộp cả phần băng tuyết bao phủ phía trên.

Nepal tiến hành đo đạc lại chiều cao của đỉnh Everest với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên được ký kết trong chuyến thăm Nepal của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2019. 

Đỉnh Everest cao hơn 86 cm so với số liệu chính thức - Ảnh 1.

Đỉnh Everest cùng nhiều ngọn khác trong dãy Himalaya nhìn từ máy bay. Ảnh: Reuters

Hồi năm 2012, một quan chức chính phủ Nepal tiết lộ với hãng tin Anh BBC rằng, quốc gia Nam Á này chịu áp lực của phía Trung Quốc phải công nhận số liệu mà Bắc Kinh công bố. Đó là lý do mà nước này quyết định tổ chức lần đo đạc mới để thống nhất số liệu. Theo thông tin được công bố, 4 nhà trắc địa người Nepal phải tham gia một khóa huấn luyện kéo dài 2 năm để thực hiện nhiệm vụ này.

Một số nhà địa lý học đã đề cập tới khả năng vụ động đất lớn năm 2015 tại Nepal đã ảnh hưởng tới chiều cao của đỉnh Everest. Trận động đất có cường độ 7,8 độ richter đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người tại Nepal, gây ra một vụ lở tuyết chôn vùi nhiều phần khu trại của những người leo núi. Các rung lắc địa chất được cho là khiến mũ băng trên đỉnh Everest co lại.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số đỉnh khác trên dãy Himalaya như Langtang Himal, ở phía bắc thủ đô Kathmandu và gần tâm chấn, đã giảm độ cao khoảng 1 mét sau trận động đất. 

Một số ý kiến khác lập luận rằng Everest, cũng như các đỉnh khác trong dãy núi này, vẫn đang phát triển theo thời gian do các mảng kiến tạo ở phía dưới thay đổi. Tuy nhiên, những trận động đất lớn có thể khiến quá trình đó bị đảo ngược.

Ý kiến của bạn