Tin tức

Điện thoại 'con bị tai nạn cấp cứu' để lừa tiền xuất hiện tại Đà Nẵng

(VOVTV) - Sau TP.HCM, Hà Nội thì mấy ngày nay, trò lừa đảo con bị tai nạn cấp cứu nguy kịch, cần phải chuyển tiền để phẫu thuật gấp... đã xuất hiện tại thành phố Đà Nẵng. Chỉ một buổi chiều, hàng chục phụ huynh tại một trường Tiểu học ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng nhận được cuộc gọi lừa đảo.

Tác giả Thành Long/VOV Miền Trung
15/03/2023 16:41

Đến sáng nay (15/3), một phụ huynh có con học lớp 4 trường Tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa hết bàng hoàng vì cuộc gọi chiều qua. Theo phụ huynh này, khoảng 16h chiều qua, khi đang ngồi làm việc thì chị nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Một giọng nữ báo tin là con bị tai nạn khi đang giờ ra chơi và được đưa đi cấp cứu trong bệnh viện với tình trạng rất nguy kịch.

Hoảng hốt, chị hỏi bệnh viện nào thì đầu dây bên kia tắt điện thoại. Gọi lại số máy đó nhiều lần không được, phụ huynh này gọi cho cô giáo chủ nhiệm cũng không được nên chạy lên trường và biết bị lừa.

"Khoảng 4h tôi đang làm việc thì có điện thoại 1 giọng nữ nói chị có phải phụ huynh…con chị đang học nhưng chạy xuống cầu thang, bị té chảy máu nhiều lắm, em bên phòng y tế phải chở cháu vào phòng cấp cứu rồi đi bệnh viện, chị qua bệnh viện liền nghe. Chưa kịp hỏi bệnh viện nào thì tắt máy gọi liên tục thì họ bấm máy bận.

Tôi vội chạy lên trường và trên đường gọi được cô giáo chủ nhiệm và cô nói không, cháu đang học bình thường. Lúc đó tâm lý cũng hoảng loạn, nghe con chảy máu nhiều cũng sợ”, một phụ huynh kể lại.

Điện thoại 'con bị tai nạn cấp cứu' để lừa tiền xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 1.

Một trường có hàng chục phụ huynh nhận cuộc gọi lừa đảo chuyển tiền để cấp cứu học sinh bị tai nạn.

Cô Nguyễn Thu Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, trường Tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, chỉ trong buổi chiều qua, hơn một nửa phụ huynh của lớp với khoảng 20 người gọi điện cho cô để hỏi về tình trạng con cái của họ bị tai nạn phải đi cấp cứu…

Cô Vân cho biết, bản thân cô cũng hoảng loạn vì chỉ trong 1 buổi chiều mà quá nhiều thông tin lừa đảo: “Liên tiếp rất là nhiều cuộc gọi “cô ơi con em bị gì, con em như thế nào”, lúc đó cô cũng không dạy gì được mới chụp hình cả lớp lại và gửi vô nhóm Zalo của lớp nói các cháu đang an toàn. Rất mong cơ quan chức năng vào cuộc rốt ráo vấn đề này để phụ huynh yên tâm và giáo viên cũng yên tâm dạy dỗ”.

Điện thoại 'con bị tai nạn cấp cứu' để lừa tiền xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh vội tin chạy đến khoa cấp cứu bệnh viện tìm con.

Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, tình trạng lừa đảo này đã diễn ra ở TP.HCM, Hà Nội nhiều ngày qua và các cơ quan truyền thông cũng đã liên tục đưa tin cảnh báo, nhưng nhiều phụ huynh khi nhận thông tin như vậy vẫn dễ dàng tin. Riêng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng chiều qua có hơn 10 phụ huynh chạy sang tìm con cấp cứu. May mắn là chưa có phụ huynh nào chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Cô Trần Thị Tường Vi có lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh: “Nếu phụ huynh nhận thông tin như vậy thì phụ huynh phải liên lạc ngay với cô giáo chủ nhiệm, đúng số cô giáo chủ nhiệm và bình tĩnh, không hoang mang. Không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của kẻ xấu, không có chuyện mà dễ dàng chuyển 30 triệu, 50 triệu. Học sinh đang học ở trường, nếu cho chuyện gì thì nhà trường có trách nhiệm, Ban Giám hiệu hoặc cô giáo chủ nhiệm sẽ điện thoại cho cô giáo thông báo với phụ huynh chứ không có bất kỳ số lạ nào”.

Được biết, trong ngày hôm qua khá nhiều phụ huynh ở các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhận thông tin lừa đảo tương tự. Nhiều phụ huynh phải bỏ dở công việc chạy đến bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện Gia Đình hoặc trường học để xác minh thông tin.

Điện thoại 'con bị tai nạn cấp cứu' để lừa tiền xuất hiện tại Đà Nẵng - Ảnh 3.

Tin nhắn trên nhóm Zalo của một lớp tiểu học để cảnh báo tình trạng lừa đảo.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đã có thông tin tới tất cả các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận/huyện trên địa bàn thành phố, chỉ đạo các trường chủ động gửi tin nhắn cảnh báo đến từng phụ huynh: “Trước hết, chúng tôi đề nghị giáo viên chủ nhiệm phải thông báo tình hình này đến phụ huynh học sinh để phụ huynh cảnh giác cao. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên giữ mối liên hệ với phụ huynh".

Ông Trần Nguyễn Minh Thành khuyến cáo: "Tất cả vấn đề liên quan đến học sinh thì giáo viên chủ nhiệm sẽ là người thông báo kịp thời với phụ huynh học sinh. Nếu gặp những cuộc gọi như vậy thì phụ huynh phải bình tĩnh, liên hệ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm”.

Ý kiến của bạn