Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia
Tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2023” được tổ chức tại Hà Nội, sáng 12/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và ngài Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia.
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 56 năm (từ năm 1967), hai nước Việt Nam và Campuchia đã không ngừng xây dựng, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực; trong đó hợp tác đầu tư là một trong những lĩnh vực trụ cột được ưu tiên thúc đẩy và đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Về đầu tư, Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Việt Nam. Hiện có hơn 200 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD, có mặt ở hầu hết các ngành; trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng, sản xuất chế biến công nghiệp, y tế, thương mại, dịch vụ…
Campuchia là địa bàn lớn thứ 2 trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam; đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng còn một số tồn tại, hạn chế và thách thức như: kết quả đầu tư chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước; quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm, chưa có thêm nhiều dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo ra sự bứt phá trong hợp tác.
Không những thế, một số dự án lớn có khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời đã tác động đến hiệu quả đầu tư; tiềm năng và dư địa hợp tác đầu tư theo chiều rộng dần bị thu hẹp đối với một số lĩnh vực như: thủy điện, khai thác, chế biến khoảng sản; nông lâm nghiệp quy mô lớn…; những hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, sự thay đổi của hệ thống pháp luật, sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong thực thi pháp luật ít nhiều ảnh hướng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với mong muốn có sự đột phá trong hợp tác đầu tư với Campuchia trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Campuchia thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Campuchia như: công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, phát triển các đặc khu kinh tế, du lịch… nhất là ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế tại khu vực biên giới hai nước.
Để tăng cường hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các lĩnh vực hợp tác đầu tư hiệu quả như: nông lâm nghiệp, viễn thông, ngân hàng…, hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm sản sạch, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao như: du lịch, y tế, giáo dục, hạ tầng, xây dựng, bất động sản và các dịch vụ khác đem lại giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước hai bên tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, Campuchia cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất trong việc ban hành và thực thi pháp luật; đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, có tính kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Cùng với đó, Việt Nam và Campuchia cùng chủ động phát huy những ưu đãi và lợi thế thông qua các khuôn khổ hợp tác trong ASEAN, Hiệp định RCEP, WTO… kết hợp có hiệu quả với việc Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, với ưu đãi cao, hàng hóa Việt Nam và Campuchia dễ dàng tiếp cận thị trường nêu trên; đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng từ các đối tác phát triển.
Mặt khác, hai bên tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, theo đó, các hiệp hội doanh nghiệp hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả; hỗ trợ các nhà đầu tư mới nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư ở thị trường mỗi nước; làm cầu nối thường xuyên với các cơ quan liên quan của hai nước để ủng hộ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
“Với phương châm hợp tác cùng có lợi, tư duy kinh doanh mới và các giải pháp có tính đột phá, quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp, hữu nghị, bền chặt Việt Nam và Campuchia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.
Tin nổi bật
Tin Video