Tin tức

Điện Biên: Người dân vẫn gặp khó khăn trong thanh toán điện tử

(VOVTV) - Thanh toán điện tử đã dần trở nên phổ biến, thay thế phương thức sử dụng tiền mặt để thanh toán thông thường trong các hoạt động thương mại. Tuy nhiên tại nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, việc triển khai thanh toán điện tử đối với người dân lại không hề dễ dàng bởi những khó khăn về nhận thức, thói quen và cơ sở hạ tầng thanh toán.

Tác giả Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
29/10/2023 09:43

Bản Xá Nhù, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên chỉ cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên khoảng 10km, nhưng thói quen tiêu dùng tiền mặt đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của hơn 40 hộ, với trên 270 nhân khẩu trong bản.

Trưởng bản Vừ A Hồng cho biết, mạng internet đã phủ sóng khắp bản; cá nhân ông và nhiều người dân trong bản đều sử dụng điện thoại thông minh, thậm chí có cài đặt nhiều ứng dụng của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt, cộng với tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, nên những ứng dụng tải về, bản thân chưa một lần sử dụng.

Điện Biên: Người dân vẫn gặp khó khăn trong thanh toán điện tử - Ảnh 1.

Nhiều người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt trong các hoạt động giao dịch.

Trưởng bản Vừ A Hồng cho biết: “Phần mềm không dùng đến nên không thành thạo. Chúng tôi đi mua hàng hóa các thứ ở chợ chỉ dùng toàn bằng tiền mặt thôi. Tiền điện hàng tháng thì có cán bộ bên công ty điện lực lên tận bản thu và cũng gửi bằng tiền mặt”.

Việc thay đổi thói quen sang thanh toán điện tử với người trẻ đã khó, với người cao tuổi càng khó khăn hơn, có thể kể đến như việc chi trả an sinh xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 36.000 đối tượng người có công, người bảo trợ xã hội được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Theo lộ trình, đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh phải thực hiện chi trả chế độ cho 100% đối tượng chính sách qua tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, hầu hết đối tượng thuộc nhóm này là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, hoặc là người khuyết tật, người yếu thế và là người cao tuổi, nên việc triển khai công tác này gặp nhiều khó khăn. Đến nay đã quá thời hạn gần 3 tháng, nhưng qua rà soát, toàn tỉnh mới có khoảng 50% người thuộc các đối tượng này được cấp tài khoản chi trả.

Bà Nguyễn Thị Lan, người dân phường Him Lam và ông Phạm Văn Lương, người dân phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: “Các ông các bà bây giờ có tuổi rồi nên lĩnh lương qua tài khoản là không biết sử dụng. Chúng tôi chỉ muốn được đến tháng lương đi lĩnh tiền mặt thôi. Biết rằng đi lại khó khăn, nhưng sử dụng qua tài khoản thì thực lòng là không sử dụng được, nhiều cụ như tôi giờ cũng qua 80 tuổi cả rồi.

Tôi cũng được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng nói nhiều về vấn đề trả lương qua tài khoản, nhưng thực tế thì có nhiều cụ cũng không muốn, muốn được lấy tiền trực tiếp. Bởi các cụ cũng có tuổi, có người còn chưa biết sử dụng internet, có người còn chưa có điện thoại thông minh nên không sử dụng được”.

Điện Biên: Người dân vẫn gặp khó khăn trong thanh toán điện tử - Ảnh 2.

Thay đổi thói quen sang thanh toán điện tử với người trẻ đã khó, với người cao tuổi càng khó khăn hơn.

Cùng với những rào cản về thói quen và nhận thức, hạ tầng công nghệ chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân khiến việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử tại các xã vùng cao khó khăn.

Toàn tỉnh Điện Biên hiện còn khoảng 11.000 hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; nhiều thôn, bản chưa được phủ sóng điện thoại, sóng di động 3G - 4G; 30% người dân không có điện thoại thông minh; hệ thống cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử chưa phủ khắp các địa bàn, nhất là các địa bàn vùng cao... Đây là những lý do khiến việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn được bà con duy trì ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Đến, chủ một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn huyện Điện Biên cho biết: “Quét mã QR thì rất thuận tiện bởi nó mang đến sự chính xác cũng như không làm phiền hà đến các giao dịch. Tuy nhiên, bà con các vùng sâu, xa vẫn chưa có điều kiện mua điện thoại thông minh cũng như mạng internet chưa phủ sóng tốt. Những điều này cũng làm hạn chế việc thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, việc tiếp cận công nghệ thông tin của bà con còn hạn chế do đó mang đến nhiều điều chưa thuận lợi”.

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử là 50% và có trên 45% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, hoặc các tổ chức được phép khác.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, tỷ lệ này mới đạt 35%. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra vẫn cần một lộ trình dài với những giải pháp hợp lý, nhất là vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng số, đa dạng hóa, gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng cao và trên hết là nỗ lực thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại./.

 

Ý kiến của bạn