Điện ảnh Việt: Chuyển thể hay phóng tác để khán giả không phản ứng ngược?
Rất nhiều phiên bản điện ảnh của các tác phẩm văn học nổi tiếng nhận phản ứng ngược rất dữ dội của khán giả cũng như giới chuyên môn.
Vì thế, nhiều nhà biên kịch, sản xuất, đạo diễn rất băn khoăn trong việc làm thế nào để vừa giữ tinh thần tác phẩm gốc, vừa sáng tạo những chi tiết mới.
Từ phim chuyển thể...
Điện ảnh Việt Nam có không ít tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng của các nhà văn. Điều đáng nói, đó còn là những tác phẩm đỉnh cao, là hình mẫu của điện ảnh Việt Nam. Khán giả hẳn chưa thể quên đôi mắt sắc và tiếng khèn réo rắt trong phim "Vợ chồng A Phủ", những đứa trẻ hồn nhiên trong phim "Mẹ vắng nhà". Hay những mảnh đời khốn khổ, bần cùng, bế tắc của những con người trong "Làng Vũ Đại ngày ấy" – bộ phim được chuyển thể từ 3 tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, đó là "Chí Phèo", "Lão Hạc" và "Trăng sáng".
Không chỉ là những hình mẫu của điện ảnh, những tác phẩm điện ảnh chuyển thể ấy còn “đóng đinh” vào nhận thức của khán giả, trở thành biểu tượng, thành hình ảnh biểu trưng trong nhiều vấn đề của xã hội đương thời. Đó là một Chí Phèo sẵn sàng rạch mặt ăn vạ bất cứ khi nào, Thị Nở xấu đến ma chê quỷ hờn, Bá Kiến xảo quyệt, khôn ngoan, giáo Thứ hiền lành và lão Hạc - một lão nông cô độc chỉ có con chó Vàng bầu bạn.
Và dàn diễn viên ngày ấy cũng “đóng đinh” tên tuổi của mình với chính nhân vật của họ. Chị Dậu tạo nên tên tuổi Lê Vân, Bùi Cường với vai Chí Phèo, nhà văn Kim Lân vai Lão Hạc...
Phim chuyển thể (hay còn gọi là phiên bản điện ảnh) là việc chuyển thể toàn bộ hoặc một phần của một tác phẩm nghệ thuật hay một câu chuyện sang hình thức phim điện ảnh. Hình thức chuyển thể phổ biến là việc sử dụng nội dung trong các tác phẩm văn học làm nền tảng cốt truyện để xây dựng kịch bản cho một bộ phim.
Về bản chất, chuyển thể là thay đổi hình thức thể hiện của một tác phẩm từ một thể loại này sang một thể loại khác để tạo ra tác phẩm mới, có hình thức thể hiện khác với hình thức thể hiện của tác phẩm ban đầu và tôn trọng tính nguyên bản của nội dung tác phẩm gốc.
Khán giả điện ảnh cho rằng, nguyên bản các tác phẩm văn học đã có chủ đề, tình tiết, nhân vật và kết cấu sẵn rồi, phiên bản điện ảnh là dùng ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện lại câu chuyện mà thôi. Bởi vậy, khán giả so sánh phim với nguyên bản văn học là điều không tránh khỏi.
Với tâm lý tiếp cận điện ảnh được “đóng đinh” như vậy, khán giả không khỏi có sự nhầm lẫn, ngộ nhận trong nhiều trường hợp, dẫn đến những “phản ứng ngược” khi xem những bộ phim có quá nhiều khác biệt, nhiều yếu tố mới mẻ so với nguyên bản gốc.
Nhà báo Cát Vũ từng nhận định, trào lưu đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh rộng dù không ít thách thức, mạo hiểm. Hiện nay, khán giả không phân biệt phim nghệ thuật, thương mại hoặc phim ở thể loại nhất định nào.
...Đến phóng tác những yếu tố mới
Sức ép đối với các nhà làm phim, biên kịch, đạo diễn khi quyết định làm một bộ phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật chính là làm sao để phim có sự mới mẻ, phù hợp với xu thế thời đại, bối cảnh và thị hiếu khán giả nhưng vẫn tôn trọng những giá trị gốc, giá trị cốt lõi của nguyên tác văn học.
Đây vừa là thách thức, lại vừa là động lực cho sự sáng tạo của những người làm phim. Những phiên bản điện ảnh phóng tác từ tác phẩm văn học thời gian gần đây chính là hướng mở cho những người làm điện ảnh Việt Nam.
Không giống như chuyển thể, phóng tác cho phép những người làm phim xử lý tác phẩm gốc tự do hơn. Người làm phim chỉ sử dụng một phần ý tưởng, hình mẫu nhân vật hoặc nội dung câu chuyện từ nguyên bản, sau đó thoải mái sáng tạo và phát triển kịch bản cho phim theo ý tưởng riêng của mình mà không hề bị gò bó trong phạm vi nguyên tác.
Phim phóng tác thực ra rất phổ biến trên thế giới, các nguyên gốc được phóng tác hầu hết từ các tác phẩm văn học như truyện, thơ, tiểu thuyết... nhưng ở Việt Nam, dòng phim này còn quá mới nên khán giả chưa hiểu rõ, thường nhầm lẫn giữa phim phóng tác và phim chuyển thể ngay khi nghe được tên tác phẩm văn học gốc. Đây chính là lý do nhiều bộ phim phóng tác nhận được “phản ứng ngược” từ khán giả.
Việc so sánh một tác phẩm điện ảnh chuyển thể, phóng tác với nguyên tác văn học là không tránh khỏi. Ngay cả những bộ phim kinh điển thế giới như "Cuốn theo chiều gió", "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" cũng từng bị khán giả, trong đó có khán giả Việt Nam khen chê, thậm chí thất vọng khi phim phần nào đó khác nguyên tác, hay "mất đi cảnh Meggie 10 tuổi vòng tay ôm cổ cha Ranlph"...
Nhưng bằng ngôn ngữ loại hình, mỗi thể loại sẽ có điểm mạnh riêng. Hơn nữa, việc dựng lại bối cảnh của những tác phẩm văn học đã qua hàng thế kỷ là điều không đơn giản. Những bối cảnh ấy lại không phù hợp với thị hiếu và hầu hết khán giả trẻ hiện nay, vốn là đối tượng khán giả chủ yếu của điện ảnh.
Bởi vậy, việc phóng tác thêm các yếu tố mới, thay đổi bối cảnh cho phù hợp thời đại và thị hiếu… là điều khó tránh khỏi của các nhà làm phim. Quan trọng là các nhà làm phim phải tìm được tiếng nói chung giữa tác phẩm điện ảnh và tác phẩm văn học. Vì vậy, các nhà làm nghệ thuật vẫn nên có định hướng tiếp nhận cho công chúng, để mỗi tác phẩm làm ra thực sự chinh phục được công chúng cũng như giới chuyên môn.
Tin nổi bật
Tin Video