Điểm yếu của UAE mà đội tuyển Việt Nam có thể khai thác
UAE có hàng tấn công siêu mạnh, với những tiền đạo cực kỳ lợi hại, nhưng đội này không phải không có điểm yếu, vấn đề là tuyển Việt Nam có khai thác được nhược điểm của đối thủ hay không?
Nhược điểm chống bóng bổng
Không đội bóng nào là không có điểm yếu, UAE dù rất mạnh so với phần còn lại của bảng G, với hàng tấn công ghi đến 20 bàn qua 7 trận đấu từ đầu vòng loại và 12 bàn chỉ trong 3 trận gần nhất từ đầu tháng 6/2021 đến nay, nhưng không có nghĩa là không có cách để khoan thủng hàng phòng ngự của UAE.
Cũng qua ba trận đấu vừa rồi, đội bóng xứ Ả rập đã để thủng lưới một bàn, chịu một quả phạt đền, ở thời điểm mà nếu đối phương tiếp tục thi đấu tốt, UAE hoàn toàn có thể bị những Thái Lan hay Indonesia gỡ hòa.
Trước Thái Lan, hàng phòng ngự của UAE cho thấy họ chống bóng bổng không thật giỏi. Đây là đặc điểm thường thấy đối với các đội Tây Á, trừ Iran và Iraq. Các cầu thủ Ả rập rất mạnh về mặt kỹ thuật, nhưng không… khoái chơi bóng bổng.
Đầu hiệp hai trận UAE - Thái Lan, khi đội bóng của HLV Akira Nishino thay đổi lối đá, đột ngột đá giãn biên và treo bóng vào khu vực 16m50, UAE cho thấy họ chống bóng bổng không thật tốt.
Cặp trung vệ thường xuyên đá chính của UAE trong những trận gần đây gồm đội trưởng Walid Abbas (1m81) và Shahin Abdulrahman (1m83) dù không thấp, nhưng cũng không thuộc dạng quá cao lớn như các trung vệ của Malaysia hay Thái Lan.
Thậm chí, so với các cầu thủ giỏi chơi bóng bổng của đội tuyển Việt Nam như Đoàn Văn Hậu (1m85), Nguyễn Tiến Linh (1m82) và Quế Ngọc Hải (1m80), các trung vệ của UAE không cao lớn hơn.
Thái Lan tận dụng tối đa điểm này, họ tạo được 2 cơ hội rõ rệt từ các pha bóng bổng ở đầu hiệp 2, và một trong số đó được cụ thể hóa thành bàn thắng.
Đầu tiên là tình huống ở phút 48, trung phong Supachai Jaidet bên phía Thái Lan bật cao hơn hàng thủ UAE đánh đầu qua tay thủ môn Ali Khaseif của đội này, may cho UAE là hậu vệ của họ kịp phá bóng trên đường bay vào khung thành UAE.
Tình huống thứ hai ở phút 52, Thái Lan gây áp lực từ pha đá phạt góc, bóng dội ra, cầu thủ Thái Lan lại đánh đầu đưa bóng trở lại khu vực 16m50 của UAE, trước khi Suphanat Mueanta chớp thời cơ ghi bàn cho Thái Lan.
Các pha bóng bổng cũng được các cầu thủ Malaysia sử dụng trước UAE. Nhưng ở trận ra quân của mình hôm 3/6, Malaysia đá rời rạc nên nhận trận thua đậm.
Sự mất tập trung của hàng thủ
Còn ở trận đấu với Indonesia, UAE cũng suýt thua, cho dù Indonesia bị đánh giá là đội yếu nhất bảng G. Khi đội bóng xứ vạn đảo đột ngột tăng tốc, hàng thủ UAE lộ ra khoảng trống, dẫn đến quả phạt đền mà Indonesia được hưởng ở phút 37.
Chỉ tiếc rằng pha đá phạt 11m của Evan Dimas không tốt, nên không thể mang về bàn thắng cho đội bóng xứ vạn đảo.
Nhưng từ pha bóng ấy, có thể thấy sự tập trung trong phòng ngự của UAE có vấn đề. Chính HLV Bert Van Marwijk của UAE cũng thừa nhận đội của ông có những thời điểm mất tập trung rất nguy hiểm ở 2 trận đấu gần nhất (gặp Thái Lan và Indonesia).
Đây cũng là một đặc điểm rất thường thấy của các đội bóng Ả rập, họ nổi tiếng về kỹ thuật, tốc độ, sức bền, nhưng không được đánh giá cao ở kỷ luật chiến thuật và sự tập trung.
Các đội bóng Tây Á thường chơi rất sung sức lúc hưng phấn, nhưng khi bị đặt vào tình thế bất lợi, trong những trận đấu giằng co, tâm lý của họ thường không vững, dẫn đến cự ly đội hình xộc xệch, có khi còn tự mắc sai lầm.
Đây là điểm mà đội tuyển Việt Nam có thể khai thác. Tốt nhất là đừng để thủng lưới trước, đừng để UAE đánh đòn phủ đầu, như họ từng ghi bàn phủ đầu vào lưới Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Tuyển Việt Nam cầm chân UAE càng lâu càng tốt, trước khi đội này nôn nóng và tự động để lộ những khoảng trống ở tuyến sau.
Khi đó, chúng ta có thể khai thác và trừng phạt UAE trong những pha phản đòn, như từng thành công trước các đội Tây Á ở kỷ nguyên của HLV Park Hang Seo ít năm trở lại đây.
Tin nổi bật
Tin Video