Điểm lại các trào lưu nổi bật nhất trên Facebook Việt Nam trong năm 2020
Hàng loạt trào lưu từ mạng xã hội trong năm qua đã tiến ra đời sống, mang lại nhiều giá trị tích cực cho người dùng.
2020 là năm các hoạt động trên mạng trở nên thu hút và hấp dẫn nhiều hơn. Nhiều trào lưu trên mạng xã hội mở rộng ra cuộc sống thật, tạo ra cơ hội cho nhiều người thể hiện bản thân và sáng tạo.
Năm của KOL, Streamer
Với sự phát triển của các nền tảng livestream, TikTok, hàng loạt cá nhân có cơ hội thể hiện tài năng của mình và bước ra công chúng, thay vì chỉ hoạt động trên Internet.
Mỗi người nổi tiếng có một cách thể hiện khác nhau, như hot girl: “Trứng rán cần mỡ” từ TikTok đã mở rộng hoạt động như tham gia một số MV, đại diện cho một số thương hiệu.
Hay các streamer game như Độ Mixi, Virus tham gia các hoạt động âm nhạc. Hầu hết những cá nhân này đều có thể kiếm tiền từ các tài năng khác của họ mà không hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động trên Youtube, Facebook.
Các KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cũng đạt được nhiều thành công trong năm qua.
Tuy nhiên vẫn có những người nổi tiếng trên Youtube để lại những tác động tiêu cực, các hành động như “giang hồ mạng”, cổ xúy bạo lực đã bị xử lý.
Thử thách trên mạng
Covid-19 khiến mọi người buộc phải ở nhà, từ đó các thử thách trên mạng xã hội liên tục ra đời và mọi người thỏa sức sáng tạo.
Nổi bật và dễ thực hiện nhất là thử thách so sánh ảnh bản thân sau 10 năm - #howmuchyouchangedchallenge. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện những người dùng Facebook đầu tiên ở Việt Nam. Người tham gia thử thách chỉ cần chọn bức ảnh bản thân 10 năm trước và so sánh với ảnh mình hiện tại.
Một số thử thách khác #ChloeTingChallenge (thử thách tập thể dục trong 14 ngày), #PillowChallenge (thử thách biến gối thành váy đầm) cũng thu hút rất nhiều người tham gia.
Nhiều câu nói từ Facebook
Trong năm qua, người dùng mạng xã hội trong nước được nghe hàng loạt câu nói ấn tượng và sau đó trở thành trào lưu.
Một số câu được nhắc lại khá nhiều như “thăm ngàn, kẹp ngần” xuất phát từ một quảng cáo của Thái Lan với nội dung chăm chỉ làm việc và tiết kiệm tiền. Hay câu “anh đứng đây từ chiều" được Mimosa Chu nói với ý nghĩa chờ đợi một điều gì đó quá lâu như chờ người con gái trả lời tin nhắn.
Gần đây nhất một câu nói cũng trở thành cảm hứng cho hàng loạt những người làm nội dung là câu: “Nhà tôi ba đời làm… tôi là đời thứ nhất”. Câu nói này bắt nguồn từ một quảng cáo gây ám ảnh với người dùng Youtube: “Nhà tôi ba đời chữa sỏi thận”.
Ngoài ra còn rất nhiều câu nói khác, tuy nhiên có thể sẽ không còn được nhắc tới trong năm nay.
Lập nhóm anti
Việc hội những người ghét ai đó tồn tại trên Facebook có từ nhiều năm qua, nhưng 2020 mới là năm xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới các nhóm antifan nhất.
Có thể điểm tới các nhóm anti ca sĩ Thủy Tiên. Nhóm này dày công thu thập thông tin, đưa ra lời chất vấn với tới ca sĩ này về cách sử dụng số tiền huy động qua fanpage để làm từ thiện. Hay nhóm anti hoa hậu Hương Giang với nhiều lần đôi co với hoa hậu đến mức hoa hậu phải mời công an tới làm việc.
Tuy nhiên sau đó có nhóm antifan tự đổi tên thành nhóm liên quan đến bán hàng online.
Một số người hoạt động lâu năm trong việc mua bán group, fanpage Facebook cho biết việc lập anti group có thể là một chiêu để xây nhóm nhanh. Các nhóm anti người nổi tiếng có đặc điểm tăng thành viên rất nhanh vì những người tham gia chỉ muốn nghe ngóng thông tin mà không thật sự ghét người bị anti. Sau khi nhóm đã hoạt động đủ lâu, có lượng thành viên lớn, người tạo nhóm sẽ bán cho ai có nhu cầu và tiến hành đổi tên.
Chia sẻ thông tin Covid-19
Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook trong năm qua được người dùng Việt Nam tận dụng tối đa để tuyên truyền những cách phòng chống sự lây lan của Covid-19. Nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang nơi công cộng, thông tin khách quan về tình trạng và điều kiện ăn ở của những người đi cách ly, cập nhật số ca bệnh ở các địa phương.
Những hình ảnh về những chiến sĩ bộ đội, các bác sĩ trong khu vực cách ly hết mình vì người dân nhận được hàng triệu lượt thích và chia sẻ cùng lời bình luận động viên.
Nhưng bên cạnh vẫn có thông tin sai sự thật về dịch bệnh. Các cá nhân đưa tin giả, sai sự thật về Covid-19 bị lực lượng chức năng xử lý. Người dùng mạng xã hội tới đợt giãn cách xã hội thứ 2 cũng có kinh nghiệm hơn trong việc lọc thông tin, tránh bị tin giả gây hoang mang.
Tin nổi bật
Tin Video