Điểm danh thuốc kháng COVID-19 triển vọng nhất trên thế giới
Molnupiravir của Merck đang dẫn đầu cuộc đua tìm kiếm thuốc kháng COVID-19. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ xuất hiện thêm thông tin về kết quả thử nghiệm lâm sàng của một số ứng viên khác.
Tuần trước, Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics đã công bố thông tin tốt lành về kết quả thử nghiệm với Molnupiravir trong điều trị COVID-19. Theo số liệu ban đầu về kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Molnupiravir có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta có độ lây nhiễm cao. Thuốc giúp giảm 50% tỉ lệ số ca bệnh nặng phải nhập viện, hoặc số ca tử vong.
Thuốc Molnupiravir hứa hẹn sẽ tạo ra bước tiến lớn trong cuộc chiến chống COVID-19. Thông tin về hiệu quả điều trị của Molnupiravir ngay lập tức đã khiến cổ phiếu của các công ty sản xuất vaccine trị COVID-19 mất giá mạnh, do nhà đầu tư dự báo thuốc kháng SARS-CoV-2 sẽ là một lựa chọn thay thế đối với nhiều người, nhất là số có tâm lý e ngại vaccine.
Hiệu quả chi phối thị trường của Molnupiravir sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như khâu phân phối, quy trình xin cấp phép sử dụng khẩn cấp từ cơ quan chức năng, mà trước mắt sẽ là Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Nhưng quan trọng nhất vẫn sẽ là câu hỏi: Liệu có ứng cử viên tiềm tàng nào tham gia cuộc đua với Merck hay không?
Câu hỏi này dường như cũng đã có câu trả lời. Hiện tại, đã xuất hiện ít nhất ba loại thuốc kháng COVID-19 tiềm năng, chuyên điều trị bệnh nhân có triệu chứng giai đoạn đầu, ngăn chặn lây nhiễm. Thông tin về kết quả thử nghiệm lâm sàng của những thuốc kháng này sẽ xuất hiện lần lượt từ nay đến cuối năm.
Thuốc PF-07321332 của Pfizer: Pfizer đến thời điểm hiện nay là nhà cung ứng vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất cho các nước phát triển. Công ty hiện cũng đang thử nghiệm thuốc dạng viên có tên gọi PF-07321332, có công dụng ngăn chặn lây nhiễm khi một người tiếp xúc gần với một người khác nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thuốc PF-07321332 được nghiên cứu phát triển dựa trên việc sử dụng kết hợp thuốc kháng HIV Ritonavir liều thấp. PF-07321332 sẽ ngăn chặn các enzyme chủ chốt cần thiết để virus có thể nhân lên, trong khi Ritonavir có tác dụng kéo dài thời gian hoạt động của PF-07321332.
Pfizer hiện đang thử nghiệm phương pháp kết hợp này trên nhóm tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên và cùng sống trong một gia đình, trong đó có người được xác định đã nhiễm COVID-19. Thử nghiệm được triển khai từ tháng 3 năm nay và đã bước sang giai đoạn 2/3 thử nghiệm lâm sàng vào tháng 9. Những tình nguyện viên này sẽ được chỉ định ngẫu nhiên uống thuốc PF-07321332 kết hợp với thuốc kháng HIV Ritonavir, hoặc uống giả dược 2 lần/ngày trong 5 hoặc 10 ngày. Pfizer dự kiến sẽ hoàn tất thử nghiệm và cho công bố kết quả cuối cùng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, thuốc PF-07321332, nếu được cấp phép, chỉ được dùng điều trị cho bệnh nhân mới nhiễm bệnh. Khi bệnh đã chuyển biến nặng, phần lớn virus đã ngừng nhân bản. Do vậy, việc dùng thuốc có thể tạo phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Thuốc AZD7442 của AstraZeneca: Hãng dược AstraZeneca của Anh ngày 5/10 đã nộp đơn đề nghị FDA phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc kháng COVID-19 AZD7442, được chứng minh là có hiệu quả cao trong ngăn chặn các ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng.
Giống vaccine, AZD7442 được đưa vào cơ thể dưới dạng tiêm. Hồ sơ được AstraZeneca nộp lên FDA bao gồm dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn cuối, cho thấy AZD7442 giúp giảm 77% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng. Thuốc được tạo ra nhờ kết hợp hai kháng thể đơn dòng, ban đầu được phát triển với mục đích điều trị cho người đã nhiễm virus, nhưng sau đó ghi nhận cả công dụng phòng ngừa. Thuốc hướng đến việc bảo vệ những người phản ứng kém với vaccine.
Thuốc AT-527 của Atea và Roche: Hai công ty dược Atea và Roche đang phát triển thuốc kháng virus có tên gọi AT-527 có đặc điểm rất giống với Molnupiravir. Liên danh này công bố kết quả thử nghiệm tích cực đối với AT-527 vào tháng 6 vừa qua. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho thấy chỉ sau hai ngày dùng AT-527 giúp giảm 80% nguy cơ nhập viện đối với bệnh nhân mắc COVID-19. Sau hai tuần, thuốc giúp điều trị khỏi hẳn với 47% bệnh nhân, trong khi tỉ lệ này với nhóm giả dược là 22%.
Sẽ cần phải có thêm nghiên cứu mới để chứng minh tác dụng điều trị của AT-527 đối với nhóm bệnh nhân thể nhẹ. Bởi phân tích, thử nghiệm ban đầu mới chỉ được tiến hành trên nhóm đối tượng bệnh nhân nặng phải nhập viện. Roche và Atea dự kiến sẽ công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 vào cuối năm nay.
Tin nổi bật
Tin Video