Dịch vụ đòi nợ thuê vẫn 'sống' sau 'khai tử'
Dịch vụ đòi nợ thuê đã chính thức bị “khai tử”, tuy nhiên, loại dịch vụ từng khiến xã hội bất an này thực sự vẫn chưa chấm dứt.
Với việc Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị "khai tử". Tuy nhiên, loại dịch vụ từng khiến xã hội bất an này thực sự vẫn chưa chấm dứt.
Đủ kiểu khủng bố tinh thần
Sáng sớm 13/3/2021, đang mơ màng ngủ, anh P.V.H ở quận Tây Hồ (Hà Nội) bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại reo liên hồi từ số máy 0986.148...
Từ đầu dây bên kia, giọng một phụ nữ tỏ ra rất nghiêm trọng, hỏi cộc lốc: "Anh là người quen của anh Q. phải không?". Cố nhớ ra là mình có quen biết với một người tên Q. nhưng đã lâu không gặp, anh H. trả lời: "Tôi có quen".
Giọng phụ nữ tiếp tục "lên gân": "Yêu cầu anh thông báo cho anh Q. nhanh chóng trả khoản tiền vay cho Công ty Godem". Khi anh H. đề nghị nói rõ hơn về khoản nợ của anh Q., người phụ nữ nọ giở giọng dọa nạt: "Anh bị nặng tai à? Anh nghĩ từ đâu tôi có số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh của anh? Đừng để chúng tôi phải nói nhiều".
Xác minh qua bạn bè những người cùng có mối quan hệ với anh Q., anh H. nhận được câu trả lời là họ cũng đều nhận được những cuộc gọi điện thoại, tin nhắn tương tự. Nội dung đều là yêu cầu anh Q. trả khoản vay 3 triệu đồng nhưng nay cả gốc và lãi đã lên tới hàng chục lần.
Ngày 15/3, trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Hải Phòng cho biết, Sở vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị Phạm Huyền Trang (32 tuổi, ở quận Ngô Quyền, giám đốc 1 trung tâm ngoại ngữ) về việc chị bị các đối tượng tung ảnh lên mạng xã hội với nội dung “vay nợ không trả” vào đầu tháng 3/2021.
Thậm chí, chị còn nhận được điện thoại từ một người đàn ông thông báo yêu cầu trả nợ cho một người mà chị không hề quen biết. Hiện, cơ quan công an đang vào cuộc làm rõ.
Đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin đến “con nợ” rồi người quen của họ chỉ là biện pháp “nhẹ nhàng” nhất nhằm tạo áp lực lên “con nợ”. Thực tế, nhiều “con nợ” phải chịu những hình thức “tra tấn” khủng khiếp hơn nhiều.
Sau ngày 1/1/2021, Long “xà” (trú Hải Phòng) giải nghệ đòi nợ thuê sau khi công ty mà anh ta làm việc suốt 6 năm qua đóng cửa.
Chia sẻ về những ngày làm nghề đòi nợ thuê, Long “xà” thẳng thắn: “Chủ nợ người ta thực hiện mọi biện pháp mà không đòi được nợ thì mới nhờ đến chúng tôi. Muốn đòi được nợ phải thực hiện các biện pháp khác người, mạnh tay chứ cứ đến nhà bảo “anh trả nợ đi” thì chỉ có về tay trắng.
“Biện pháp khác” của những nhóm đòi nợ thuê thì nhiều nhưng đều là khủng bố tinh thần. Nhẹ thì nhắn tin, gọi điện liên tục, tung ảnh lên mạng xã hội. “Khó nhằn” hơn thì ném mắm tôm trộn luyn vào nhà, sơn lên cánh cửa hoặc kéo người đến nhà, cơ quan của con nợ chửi bới làm cho mất mặt mà phải trả nợ. Khi những biện pháp trên không có hiệu quả thì chặn đường áp tải đi nơi khác đe dọa, đánh đập, bắt gọi người nhà đến trả nợ...”.
Lách luật để hoạt động
Tới nay, sau hơn 2 tháng bị chính thức “khai tử”, dường như loại dịch vụ này vẫn có những biến tướng khác nhau. Vào Google, gõ cụm từ dịch vụ đòi nợ thuê trong 0,7 giây cho ra hơn 2,7 triệu kết quả, trong đó đa phần là các công ty đòi nợ thuê nhưng nay đổi thành công ty mua bán nợ.
Trong vai một khách hàng, PV liên hệ qua điện thoại với 1 công ty vừa chuyển tên đòi nợ thuê thành “mua bán nợ”. Sau khi nghe PV trình bày có khoản nợ 1 tỷ đồng, “con nợ” không chịu trả nên muốn bán khoản nợ trên cho công ty mua bán nợ, đại diện công ty này nói: “Chúng tôi sẽ ký hợp đồng mua bán nợ với anh, tuy nhiên đây chỉ là hợp đồng mang tính... hình thức, công ty không thanh toán khoản mua đó đâu. Ngược lại, công ty sẽ giúp khách hàng đòi khoản nợ đó, đòi được thì chia theo tỷ lệ 50/50”.
Khi PV cho rằng, như vậy chẳng khác gì dịch vụ đòi nợ trước đây, đồng thời đề xuất muốn bán luôn khoản nợ đó cho công ty mua bán nợ, đại diện công ty mua bán nợ nọ trả lời thẳng: “Chúng tôi không có nhu cầu mua món nợ đó của anh”.
Theo một số luật sư, Luật Đầu tư (sửa đổi) nghiêm cấm dịch vụ đòi nợ thuê nhưng lại không cấm dịch vụ mua bán nợ. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đòi nợ thuê đã đóng cửa nhưng lại lách luật, thành lập công ty mua bán nợ rồi hoạt động… y như cũ.
Theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP, điều kiện để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, các quy định tưởng như chặt chẽ đó chẳng hề khó khăn gì đối với các tổ chức, cá nhân muốn thành lập công ty mua bán nợ.
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, khi bị cấm, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ tìm cách “lách luật”. Chẳng hạn như các hình thức thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, để cung ứng lao động (mà thực chất là các nhân viên thực hiện việc đòi nợ) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; thậm chí hình thức khác có thể kể đến là mua lại các khoản nợ nhưng thực chất là để đòi nợ thuê cho bên bán nợ.
“Vì vậy, để tránh việc “lách luật” có thể xảy ra thì cần có những quy định hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn”, luật sư nói và cho rằng, trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì trước hết các bên có quyền tự giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải. Nếu không thì có thể khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án. Trường hợp, vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì người bị hại có quyền làm đơn trình báo, tố giác tội phạm đó đến công an để được xem xét và giải quyết.
Theo một lãnh đạo Công an TP Hải Phòng, khi phát hiện các nhóm đối tượng có hành vi đòi nợ thuê, các đơn vị công an đều có trách nhiệm xác minh, điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Tuy vậy, hoạt động đòi nợ thuê cơ bản được phát hiện ở hoạt động “bề nổi” như các hành vi đe dọa, tạt sơn, hất chất bẩn vào nhà, bắt giữ người trái pháp luật, đánh người gây thương tích... Khi phát hiện các hành vi đó, lực lượng chức năng vào cuộc, xác minh, nếu đủ chứng cứ có giao dịch đòi nợ thuê sẽ xử lý hành vi này cùng với các hành vi “bề nổi” nêu trên.
Tin nổi bật
Tin Video