Dịch giả Đoàn Tử Huyến ra đi nhẹ nhàng trong một sáng đầu đông
"Ai chịu khó đọc sách thì thấy vốn kiến thức uyên bác của chú trong các tác phẩm. Chú Huyến sống lạc quan, luôn hàm ý "đời phải vui". Tôi đang dịch sách báo và chú Huyến là một trong những người dịch tôi phải học cả đời”, anh Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến không những tiếng Nga rất giỏi, chuyên về các tác phẩm văn học lớn của Nga - Xô Viết, mà còn là một trong những người xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa, văn học đầu tiên ở Hà Nội cho các nhà văn, nghệ sĩ với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
Ông có nhiều bản dịch được độc giả yêu thích như: tập tản văn Giọt rừng (Mikhail Prisvin), tiểu thuyết Trái tim chó (Mikhail Bulgacov), truyện dài Đêm sau lễ ra trường (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết Đấng cứu thế (Miguel Otero Silva), tập truyện ngắn Những ô cửa màu xanh (Nhiều tác giả), tập truyện ngắn Khóm hoa tử đinh hương (Nhiều tác giả).
7 tác phẩm này đã được gia đình in lại trong năm 2016, mừng dịch giả vừa qua cơn bạo bệnh. Với vai trò là người làm xuất bản, ông chuyên làm các bộ sách văn học, văn hóa có giá trị nhưng khó bán. Ông tha thiết làm, lặng lẽ làm.
Trong đó phải kể đến bộ Phan Bội Châu toàn tập in hai lần, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử 1.100 trang, Mỹ học Hegel cùng các cuốn sách triết học, văn hóa học khác của nhà văn hóa Phan Ngọc…
Với việc lập ra Nhà sách Đông Tây, sau là Trung tâm Văn hóa Đông Tây, Đoàn Tử Huyến được đánh giá là một trong những người đi đầu mở ra những không gian sinh hoạt văn hóa văn học cho văn nghệ sĩ ở Hà Nội.
Cả với văn hóa và với bạn bè, Đoàn Tử Huyến đều nổi tiếng bởi là một người hết mình vì bạn bè. Bạn bè của ông không chỉ có trong giới văn chương còn có nhiều lĩnh vực như hội họa, điện ảnh, âm nhạc. Hầu hết các nhà văn hóa có tiếng ở trong và ngoài nước đều tìm đến và trở thành những người bạn thân thiết. Bạn bè ông có đủ lứa tuổi không phân biệt già, trẻ. Ở ông có một sức hút mãnh liệt kiểu như “mê đắm”.
Cũng là người học ngoại ngữ và làm công việc dịch thuật, anh Nguyễn Quang Thạch cho rằng dịch văn học rất khó bởi lượng kiến thức đa lĩnh vực ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Đọc các tác phẩm văn học Anh và thấy mình chưa đủ trình dịch bởi vậy đọc các tác phẩm của dịch giả Đoàn Tử Huyến dịch tôi nể phục.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến ra đi để lại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - một trong những không gian sinh hoạt văn hóa đầu tiên ở thủ đô do anh sáng lập. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc trò chuyện về văn hóa văn nghệ, rất nhiều hoạt động làm cầu nối văn hóa trong và ngoài nước mà anh lại cũng chính là linh hồn.
Nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn khi nghe tin đã bày tỏ tình cảm của mình với người thầy bằng tất cả sự kính trọng: “Năm 2014, tôi xin về làm biên tập viên tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tức nhà sách Đông Tây bây giờ, dịch giả Đoàn Tử Huyến là tổng chủ quản về nội dung. Vốn nghe tên tuổi của ông từ trước, khi gặp ông lần đầu tôi có phần… sợ, như sợ bất cứ người nổi tiếng nào. Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn tiếp xúc với ông tôi thấy ở ông một sự dung dị, dễ gần. Ông ít nói, nhất là với nhân viên. Nhưng nói câu nào trúng câu đó. Hiếm khi chúng tôi phản biện lại được. Hãy làm đến tận cùng, và buông bỏ những thứ không cần thiết. Cái gì chưa chắc chắn thì không nên làm, mà đã làm thì phải hiểu cho thấu đáo, và phải theo đuổi cho đến cùng, đừng dở dang khổ mình mà mất thời gian của người khác. Làm phải có hệ thống, khoa học và chỉn chu… Đó là những nguyên tắc mà dịch giả Đoàn Tử Huyến đặt ra cho chúng tôi khi bắt đầu biên tập, biên dịch một công trình dù lớn hay nhỏ, dù thời vụ hay dài hơi…”.
Bạn bè, đồng nghiệp, người thân ai cũng biết ông từng bị tai biến bốn năm trước, phải tiến hành mổ não nên sức khỏe, trí nhớ suy giảm nhiều. Rất may, theo thời gian, sức khỏe của ông dần ổn định. Gần đây ông có thể chăm hoa, tưới cây và gặp gỡ bạn bè. Nhưng rồi sau một giấc ngủ nhẹ trong một sáng đầu đông ông đã ra đi mãi mãi.
8h30 ngày 21/11/2020 ông đã đăng hai câu thơ trên trang facebook cá nhân của mình: “Cánh cò bay lả bay la,/ Bay từ Trại Trúc bay qua Đồng Đà...”, 24 giờ sau ông đã thành người thiên cổ. Sự ra đi của dịch giả Đoàn Tử Huyến nhẹ nhàng như cuộc đời ông vậy./.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952, tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng đi học ở Nga (Liên Xô cũ), về nước giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao Động.
Có thời gian ông làm phó tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài, tập hợp đội ngũ dịch văn học, rồi tổ chức hội thảo dịch thuật. Sau đó ông sáng lập Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - trung tâm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xuất bản phát hành sách.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến được biết đến với rất nhiều tác phẩm đưa bạn đọc đến gần hơn với nền văn học bác học của thế giới như “Diễn từ của các nhà văn Nga đoạt giải Nobel”, “Các nhà thơ đoạt giải Nobel”, Các nhà văn đoạt giải Nobel”, “108 nhà văn thế kỷ 20”…
Ông còn là dịch những tác phẩm nổi tiếng như “Tiếng gọi vĩnh cửu” (tiểu thuyết của Ivanov), “Kỳ lạ thế đấy cuộc đời này” (tiểu thuyết của D.Granin), “Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ” (chuyện giả tưởng của S.Lem), “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov)...
Ông từng được trao Giải thưởng Văn học dịch (Hội Nhà văn 1990 - 1991) cho tác phẩm “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov).
Tang lễ dịch giả Đoàn Tử Huyến sẽ được tổ chức từ 7h15-9h15 ngày 24/11, tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội. An táng tại quê nhà, xã Hòa Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Tin nổi bật
Tin Video