Tin tức

Di tích cấp quốc gia tại TPHCM bị xâm hại, chính quyền nói gì?

(VOVTV) - Vụ việc khu di tích cổ lò gốm Hưng Lợi, Quận 8, TPHCM bị một số người dân ngang nhiên chiếm dụng và thiếu sự quan tâm đúng mức đã khiến nơi đây trở thành phế tích. Thực tế đến thời điểm này, việc gìn giữ và bảo tồn khu vực này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, bởi toàn bộ khu di tích đã bị san phẳng, bị xâm hại nghiêm trọng.

Tác giả Vinh Quang / VOV TPHCM
16/12/2020 17:02

Khu di tích lịch sử - văn hóa Lò gốm cổ Hưng Lợi, Quận 8 gắn liền với lịch sử 300 năm của Sài Gòn, được khai quật năm 1997, nhưng nhiều năm qua, do việc bảo vệ, bảo tồn lỏng lẻo, dẫn đến người dân lấn chiếm, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, dấu tích của các khu lò nung gốm cổ gần như không còn.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, diện tích khu vực bảo vệ I của di tích khoảng 10.000m2, khu vực bảo vệ II có diện tích khoảng 40.000m2 nằm trong khu dân cư tập trung đông với nhiều công trình và hộ dân sinh sống; diện tích bị xâm hại, hủy hoại nằm trong diện tích vùng lõi khoảng 836m2 do nhà nước quản lý.

Theo ông N.V.T một người dân địa phương, chỉ trong 2 năm 2017 và 2019 đã có 2 lần người dân tự ý đưa xe xúc, xe ủi "giải tỏa trắng" vào những ngày cuối tuần, rồi xây dựng một số hạng mục ngay trên đất di tích.

1Dù được rào chắn nhưng mặt tiền Khu di tích lò gốm cổ Hưng Lợi,.jpg

Dù được rào chắn nhưng mặt tiền Khu di tích lò gốm cổ Hưng Lợi, tiếp tục bị người dân bủa vây chiếm dụng để đồ đạc

Xung quanh khu di tích bây giờ là cỏ dại, cây rậm rạp, xen lẫn là những ngôi mộ tự phát vì người dân xem đây là… vùng đất hoang. Bà T.T.V, hộ dân Phường 16, Quận 8 bức xúc: "Bà chủ đất ở khu này tự ý kêu người đem nhiều xe xúc, xe cẩu tới rồi đập cổng, xây mấy cái trụ gì đó, sau khi nhà nước phát hiện mới tới gỡ bỏ rào lại mới gắn cái bảng lên".

Đến thời điểm này, việc triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi bị chậm do việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp, khiếu nại kéo dài. Đồng thời cũng chưa thực hiện được việc giải tỏa đền bù, do đó không triển khai được dự án, vì từ năm 1999 đã phát sinh khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Phương với chính quyền địa phương về phần đất vùng lõi của lò gốm.

Trao đổi về vấn đề này, theo ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Phường 16, Quận 8 cho hay, vào tháng 7/2017 bà Nguyễn Thị Phương có cho xe xúc san ủi nhiều phần mộ trong đất di tích. Đến tháng 3/2019 tiếp tục xảy ra vụ việc bà Phương thuê xe cuốc đến san lấp cổng bảo vệ khu di tích và toàn bộ khu vực lò gốm, sau cho xây dựng nhà trên đất di tích Lò Gốm cổ Hưng Lợi. Phần xâm hại nằm ngay trong phần lõi được quy hoạch bảo vệ trung tâm khoảng 836m2. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình xâm hại đất di tích, tiến hành rào chắn xung quanh trên phần đất 836m2 vùng lõi khu di tích.

Khu di tích cổ rộng hàng ngàn m2 nay đã trở thành một “phế tích”. Ngoài tấm biển cảnh báo bằng xi măng thì chỉ còn cảnh hoang tàn cỏ mọc um tùm.jpg

Khu di tích cổ rộng hàng ngàn m2 nay đã trở thành một “phế tích”. Ngoài tấm biển cảnh báo bằng xi măng thì chỉ còn cảnh hoang tàn cỏ mọc um tùm

Trước sự việc nghiêm trọng này, phường đã lập biên bản xử lý nhưng người dân này không ký biên bản vi phạm nên chuyển cơ quan điều tra công an Quận 8 thụ lý. Cơ quan chức năng đã quyết định phạt hành chính hành vi hủy hoại tài sản kèm số tiền 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đương sự vẫn không chấp nhận. Hiện tranh chấp vẫn đang tiếp tục, UBND Quận 8 đã có văn bản chuyển Công an Quận 8 đang xem xét khởi tố bà Nguyễn Thị Phương về hành vi “vi phạm di tích văn hoá”.

Được biết về nguyên tắc một khu di tích phải có ban quản lý, tuy nhiên đến nay ban quản lý khu di tích Lò Gốm Hưng Lợi vẫn chưa được thành lập sau nhiều năm bị cơ quan chức năng lãng quên. Việc thiếu sự quan tâm trùng tu, tôn tạo và bảo vệ đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm dẫn đến xâm hại nghiêm trọng hiện trạng của khu di tích.

Đến nay, phần đất công mặc dù được rào chắn, gắn bảng cảnh báo nhưng sau khi bị san ủi nhiều lần, việc khôi phục lại vết tích ban đầu của khu lịch sử văn hóa này dường như không thể.

Di sản văn hóa gắn liền với lịch sử TPHCM hiện còn không nhiều, việc bảo vệ, bảo tồn những “nhân chứng” của lịch sử 300 năm là không hề đơn giản. Thực tế bảo vệ bảo tồn di tích không chỉ riêng là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân Quận 8 mà còn của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM trong công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Ý kiến của bạn