Đi chợ kiểu mới: Linh hoạt thích ứng với dịch bệnh
(VOVTV) - Trước diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố, quận huyện khác đang triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh, đã có những cách bán hàng sáng tạo được một số địa phương áp dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, người dân cũng gặp khó khăn trong việc mua bán thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày. Để giải quyết tình trạng này, mô hình siêu thị, chợ lưu động đã được triển khai, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh.
Tại Hà Nội, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở các điểm bán hàng lưu động, chợ lưu động, đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.
Chị Nguyễn Hồng Lan đang mua sắm tại điểm bán hàng lưu động quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: "Thấy các điểm bán hàng lưu động đều được niêm yết giá rất rõ ràng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc phân làn hay khoảng cách đều được đảm bảo, người dân đều có ý thức tự bảo vệ mình. Tôi rất hy vọng đợt đại dịch này sẽ sớm kết thúc".
Mới đây, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng doanh nghiệp khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán các mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt.
Nhiều chợ tại thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng một số mô hình bán hàng kiểu mới như bán theo "combo", người dân có thể chọn hàng và điền đầy đủ vào phiếu thông tin, thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn.
Trong khi đó, Liên hiệp HTX Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đang có phương án tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu nhanh nhất đến các khu dân cư, khu phong tỏa, cách ly theo phương thức mua chung. Saigon Co.op sẽ gửi đến các khu vực có nhu cầu danh mục hàng hóa thiết yếu, các cơ quan, tổ chức của từng khu vực sẽ cử đầu mối ghi nhận nhu cầu của người dân rồi tổng hợp thành một đơn hàng chung.
Bà Vũ Nguyễn Diễm Thi, Giám đốc Marketing Liên Hiệp Hợp Tác Xã Thương Mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: "Saigon Co.op cũng đang có phương án triển khai mua chung hàng hóa đến các khu dân cư, khu phong tỏa, cách ly nhằm hỗ trợ nhu cầu về thực phẩm thiết yếu đến người dân khu vực này. Saigon Co.op gửi đến bảng danh mục hàng hóa thiết yếu, các cơ quan, tổ chức ở mỗi khu vực sẽ cử người ghi nhận yêu cầu của người dân rồi tổng hợp thành đơn hàng chung.
Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật danh mục hàng hóa ở web hoặc trang facebook của Saigon Co.op. Chúng tôi triển khai từ cuối tháng 7, Saigon Co.op nhận được nhiều đơn hàng và phản hồi tích cực, các danh mục hàng hóa đều đảm bảo về cung ứng".
Cùng với bố trí xe lưu động, bán hàng theo combo, đưa chợ ra chỗ thoáng, tổ đi chợ hộ, đưa hàng thiết yếu lên chợ điện tử… mô hình "Gian hàng 0 đồng", "Đi chợ giùm dân" đã mang lại sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ hộ nghèo, lao động nghèo tại các địa phương. Thông qua các mô hình góp phần thắt chặt nghĩa tình, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của dân tộc, dìu dắt nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã triển khai những cách bán hàng sáng tạo, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn là vấn đề an sinh xã hội của người dân.
Ngay khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành một số văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, tăng cường các điểm bán hàng lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa, thậm chí có cả những "siêu thị mini 0 đồng" góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa và vấn đề về an sinh xã hội cho người dân.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đề nghị Sở Công Thương các địa phương nhân rộng các mô hình "siêu thị mini 0 đồng" để triển khai nhiều hơn nữa, góp phần bảo đảm việc cung ứng hàng hóa và an sinh xã hội..
Trước những tác động của dịch COVID-19 đến đời sống của người dân, những cách làm sáng tạo này cũng chính là giải pháp thiết thực giúp đỡ những người dân lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn giảm đi lo toan trong cuộc sống hằng ngày.
Tin nổi bật
Tin Video