Tin tức

Dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội là đúng?

Chúng ta đang sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện, bất kể lý do gì. Vì thế, không thể vì lý do phát triển sản phẩm du lịch độc đáo mà coi thường pháp luật.

15/09/2022 10:24

Hôm qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân khẳng định,100% các hộ dân hiện nay đang kinh doanh ở khu vực đường tàu đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Thời gian tới, địa phương sẽ thu hồi toàn bộ những giấy phép đăng ký kinh doanh đã được cấp trước đó và đình chỉ kinh doanh có hiệu lực. Thời gian thực hiện muộn nhất trong 3 ngày tới.

Trong văn bản gửi UBND Hà Nội và Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết từ năm 2018, phía bắc ga Hà Nội xuất hiện tình trạng khách nước ngoài tham quan, quay phim, chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua.

Trước đó, đề nghị về việc dẹp bỏ những quán cà phê như thế này đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều. Thậm chí, một số nhà chuyên môn còn cho rằng, đây là sản phẩm du lịch độc đáo, cần quy hoạch để phát triển loại hình này.

Dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội là đúng? - Ảnh 1.

Dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội là đúng? - Ảnh 2.

Du khách tấp nập check in, vô tư đi lại trên đường tàu. Ảnh: Đắc Huy

Phải thừa nhận rằng, trong thời buổi "của khôn người khó", các loại hình dịch vụ cạnh trạnh khốc liệt thì việc phát triển sản phẩm độc đáo, thu hút người dùng là vô cùng quan trọng và không hề dễ dàng. Đã có rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng mở cửa rồi phải đóng cửa, chấp nhận phá sản, thua lỗ vì không đáp ứng được tiêu chí này. Trong phát triển du lịch cũng thế, sản phẩm du lịch độc đáo luôn thu hút sự khám khá, tò mò của du khách. Đặc biệt, trong thời điểm nền du lịch mới gượng dậy sau một thời gian dài “nằm im” vì đại dịch Covid-19 thì việc phát triển những địa điểm, sản phẩm du lịch độc đáo lại rất quan trọng và cần thiết.

Nhưng, không phải vì thế chúng ta thực hiện bằng mọi giá, thậm chí cả vi phạm pháp luật. Việc phản đối dẹp bỏ cà phê đường tàu dù có lý giải, biện minh như thế nào thì trước hết cũng phải khẳng định một điều, việc kinh doanh này đang vi phạm pháp luật.

Chúng ta đã có Luật Đường sắt, Luật An toàn giao thông và nhiều quy định khác quy định về an toàn hành lang các tuyến đường giao thông, trong đó hành lang an toàn của đường sắt quy định là 3 mét. Tuy nhiên, hiện nay các quán cà phê đường tàu “100% các hộ dân hiện nay đang kinh doanh ở khu vực đường tàu đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt” như khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm và là thực tế ai cũng có thể thấy rõ.

Điều đó thực sự mất an toàn và nguy hiểm cho hoạt động của những chuyến tàu và ngay chính những người uống cà phê nơi đây, chưa kể nhiều khi hàng loạt thực khách còn tranh nhau "check in", vô tư đi lại khiến cho khu vực này trở nên nhốn nháo mà không cần biết “tử thần” ngay sau lưng. Thậm chí, có đoàn tàu đã phải dừng khẩn cấp vì đoạn đường có nhiều người đi uống cà phê đổ ra đường tàu "sống ảo".

Chúng ta thường xuyên chứng kiến nhiều vụ tai nạn đường sắt đau lòng xảy ra ở nhiều nơi mà phần lớn nguyên nhân là do vi phạm về an toàn đường sắt của người tham gia giao thông, nhiều tuyến đường ngang có barie, cảnh báo tự động, bật tín hiệu có tàu nhưng nhiều người vẫn cố tình bỏ qua.

Có lẽ đây cũng là ý thức và sự thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí coi thường luật pháp của một bộ phận người dân thường thấy bấy lâu nay trong tất cả các hoạt động đời sống xã hội. Dễ thấy nhất là việc tham gia giao thông hiện nay. Ngay tại Thủ đô, việc ùn tắc một phần do tập trung quá đông dân số nhưng phần nhiều cũng do ý thức của người tham gia giao thông. Tại các cửa hàng kinh doanh dọc hai bên các con phố cũng vậy, dù đã có quy định không bày bán hàng ra vỉa hè nhưng phần lớn các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, thậm chí cả lòng đường...

Hiện tượng “nhờn” luật, coi thường pháp luật ở một bộ phận người dân còn có sự buông lỏng của các cơ quan chức năng khi thực hiện luật không nghiêm, hoặc làm theo phong trào, làm theo chiến dịch ra quân từng đợt mà không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục.

Chúng ta đang sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện, bất kể lý do gì. Vì thế, không thể vì lý do phát triển sản phẩm du lịch độc đáo mà coi thường pháp luật. Việc dẹp bỏ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có các quán cà phê đường tàu là cần thiết. Đáng ra, việc này phải thực hiện từ lâu chứ không phải đến bây giờ.

Hãy để pháp luật thực thi nhiệm vụ của mình. Đó cũng là đang thực hiện việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và tính mạng của tất cả mọi người trong xã hội.

Ý kiến của bạn