Kinh doanh

Đề xuất đất để xây dựng nhà xã hội không được thương mại hóa

Cử tri kiến nghị đất để xây dựng nhà xã hội sử dụng lâu dài, không được thương mại hóa hoặc chuyển mục đích sử dụng khác. Điều này để ổn định quỹ đất nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho thế hệ sau.

28/03/2022 10:59

Bộ Xây dựng vừa trả lời cử tri tỉnh Bình Phước liên quan tới một số kiến nghị về phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể theo cử tri, hiện nay các dự án đầu tư xây dựng rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vì cơ chế, chính sách thiếu linh hoạt, lợi nhuận không cao, thời gian thu hồi vốn đầu tư kéo dài, khó vay vốn ưu đãi để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách còn rất hạn chế nên kém hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án loại này. Trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng tăng.

Đề xuất đất để xây dựng nhà xã hội không được thương mại hóa - Ảnh 1.

Theo Bộ Xây dựng, do hạn chế về nguồn vốn hỗ trợ dành để phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nguồn vốn đầu tư công) nên kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra (Ảnh: IT).

Để giải quyết khó khăn, cử tri đề nghị xem xét sửa đổi các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội. Trong đó, quy định đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì Nhà nước có trách nhiệm thực hiện đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của toàn dự án từ nguồn vốn đầu tư công. Phần đầu tư xây dựng công trình nhà ở sẽ tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư.

Mặt khác cử tri cũng kiến nghị đất để xây dựng nhà ở xã hội là sử dụng lâu dài, không được thương mại hóa hoặc chuyển sang đất có mục đích sử dụng khác. Như vậy mới giữ gìn và đảm bảo ổn định quỹ đất để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho các thế hệ về sau.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Đồng thời, luật cũng có quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án; trường hợp xây cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này.

Nghị định số 49 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cũng có quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trong trường hợp Nhà nước sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi bàn giao quỹ đất này cho Nhà nước...

Đối với chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp lý khác theo quy định của pháp luật mà chủ đầu tư đã thực hiện đối với quỹ đất 20% phải bàn giao sẽ được ngân sách nhà nước hoàn trả theo quy định.

Trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Cũng theo Bộ Xây dựng, Nghị định số 49 cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (đang trong giai đoạn hình thành) theo quy hoạch và chuyển giao cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội được phân bổ một phần hoặc toàn bộ vào giá thành kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đó; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ chủ đầu tư dự án trong việc thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng chung.

Mặc dù chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được ban hành nhiều nhưng theo Bộ Xây dựng, do hạn chế về nguồn vốn hỗ trợ dành để phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nguồn vốn đầu tư công) nên kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong giai đoạn vừa qua.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc hoàn thiện cơ chế chính sách về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội theo hướng huy động tối đa nguồn lực của xã hội (trong đó có nguồn vốn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp…) là cần thiết, đồng thời hạn chế dựa vào nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

Với các nội dung cử tri kiến nghị, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp thu trong quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn