Đề xuất chuyển bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý: Lãnh đạo các bệnh viện nói gì?
Lãnh đạo các bệnh viện lên tiếng về đề xuất chuyển bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế cho Hà Nội quản lý.
Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phản đối đề xuất “chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về cho Hà Nội quản lý”.
Theo ông Cơ, các bệnh viện tuyến trung ương hiện nay bên cạnh công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, còn thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác như: đào tạo, chỉ đạo tuyến, cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới, hợp tác quốc tế.
Để các bệnh viện này thuộc Bộ Y tế, các đơn vị sẽ có vị thế hơn rất nhiều trong việc hợp tác quốc tế và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.
Không chỉ vậy, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế còn là cánh tay nối dài trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
Khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên, ông Cơ nhận thấy toàn bộ khu vực này không có cơ sở y tế, bệnh viện chuyên ngành hồi sức tích cực. Do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các khu vực khó khăn.
Ông Cơ chia sẻ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn duy trì 20-30% bệnh viện công do Chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội. Do vậy việc giữ nguyên các bệnh viên tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý là hợp lý.
Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu cũng phản đối đề xuất trên. Ông cho rằng, các bệnh viện trung ương đều là các cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vì vậy, nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội, công tác đào tạo thực hành của các trường này sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phân tích, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành là những cơ sở đầu tiên tiếp cận với y học quốc tế.
Các bệnh viện trung ương thuộc sự quản lý của Bộ Y tế sẽ mang tầm quốc gia, có vị thế lớn trong việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước phát triển trên thế giới, sau tiếp nhận sẽ chuyển giao cho tuyến dưới được thuận lợi hơn.
Nêu quan điểm tại hội thảo đóng góp ý kiến Luật Thủ đô sửa đổi hôm 1/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói, việc chuyển các bệnh viện của trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Việc đặt các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.
Theo ông, để bệnh viện trung ương cho Bộ Y tế quản lý phù hợp Nghị quyết 30/2022 của Bộ Chính trị. Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Hà Nội phải được đầu tư, phát triển ngang tầm các trung tâm chuyên sâu, kỹ thuật cao của khu vực và thế giới.
Ông Thuấn cũng đề nghị TP Hà Nội tính toán lại năng lực quản lý của mình. Hiện Sở Y tế quản lý 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị. Vì thế, "việc tiếp nhận thêm bệnh viện tuyến trung ương là quá sức, nhất là trong bối cảnh cán bộ sở còn mỏng".
Thông tin thêm, ông Trần Văn Thuấn cho biết, trước đó vào chiều 31/7, trong hội nghị có sự tham gia của 17 bệnh viện trung ương trên địa bàn, giám đốc Bệnh viện E Hà Nội chia sẻ câu chuyện 100% cán bộ y bác sĩ của bệnh viện này đã bỏ phiếu đồng ý bệnh viện tiếp tục trực thuộc Bộ Y tế quản lý.
Nội dung dự thảo Luật Thủ đô đề cập nội dung: Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học.
Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.
Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.
Tin nổi bật
Tin Video