Để trẻ có kỳ nghỉ hè mùa Covid-19 an toàn, bổ ích
(VOVTV) - Thời gian nghỉ hè vào đúng lúc dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, các khu vui chơi chưa được phép hoạt động trở lại. Làm thế nào để trẻ em thoải mái vận động, vui chơi nhưng vẫn an toàn đang là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Việc tìm sân chơi cho trẻ trong dịp hè là "bài toán" đau đầu đối với không ít phụ huynh. Đặc biệt, thời điểm hè năm nay nhiều địa phương đã "đóng băng" các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, mọi hoạt động của trẻ chỉ có thể diễn ra ngay tại nhà. Làm thế nào để con không cảm thấy chán khi ở nhà quá nhiều và không bị phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ là câu hỏi mà nhiều cha mẹ băn khoăn lúc này.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Phạm Tuyết Nhung (trú tại sống tại Chung cư CT2-TP Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, những năm trước, gia đình chị sẽ chia kế hoạch nghỉ hè của con ra theo từng giai đoạn.
"Khi vừa bắt đầu kỳ nghỉ hè, gia đình sẽ cho con đi du lịch, mặc dù cháu chỉ đang học ở cấp bậc mầm non nhưng tôi chia sẻ cho cháu rằng đây là phần thưởng hàng năm bố mẹ dành cho khi con cố gắng học tập, ngoan ngoãn nghe lời. Sau đó, con sẽ được về quê chơi cùng ông bà nội ở Thanh Hóa và ông bà ngoại ở Hưng Yên ít ngày để gắn kết tình cảm. Thời gian cuối kỳ nghỉ tôi sẽ đăng ký cho con một vài khóa học kỹ năng sống", chị Nhung nói.
Nhưng năm nay, dịch diễn biến phức tạp, con không thể đi du lịch hay về quê với ông bà, các hoạt động giải trí ngoài trời đóng cửa, chị Nhung đã lên kế hoạch sinh hoạt trong ngày, đảm bảo con có thể vui chơi thoải mái, phát triển thể chất và tinh thần.
"Cũng giống như nhiều bậc làm cha mẹ khác, ban đầu tôi cũng khá khó khăn trong việc lập kế hoạch kỳ nghỉ hè lành mạnh cho con. May mắn vì vợ chồng làm kinh doanh tự do nên có thể chủ động sắp xếp thời gian để cùng con tham gia các hoạt động tại nhà", chị Nhung bộc bạch.
Bên cạnh thời gian biểu ăn ngủ đã cố định từ trước, trong ngày, chị Nhung cùng con tham gia các hoạt động học tập, giải trí ngay tại nhà như đọc chữ, vẽ tranh, tô màu…
Nói về việc con trẻ dễ phụ thuộc vào công nghệ khi có quá nhiều quãng thời gian trống trong dịp nghỉ hè, chị Nhung chia sẻ: "Ngay từ khi cháu bắt đầu có nhận thức về mọi thứ xung quanh, vợ chồng tôi đã thống nhất không để con xem quá nhiều thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, điện thoại… Thời điểm hiện tại tôi chỉ cho con sử dụng máy tính từ 30 phút – 1 tiếng, thay vì xem hoạt hình tôi sẽ lựa chọn các kênh kết hợp dạy học cho trẻ".
Để con bớt cảm thấy nhàm chán khi chỉ lặp đi, lặp lại các hoạt động học tập và giải trí tại nhà, chị Nhung còn khuyến khích và hướng dẫn con gái bắt đầu làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ.
"Tôi bắt đầu hướng dẫn cháu làm các công việc như quét nhà, rửa bát, xếp hàng cho bố mẹ… cũng đưa ra phần thưởng rằng nếu con làm tốt sẽ được mua thêm đồ chơi hoặc cho con thêm 5 - 10 phút xem máy tính. Mặc dù nhiều khi con làm chưa tốt, mẹ phải quét nhà và rửa bát lại do còn bẩn nhưng tôi rất vui vì cháu bước đầu đã giúp được bố mẹ công việc", chị Nhung cười, nói.
Lo ngại việc con ở trong nhà quá lâu sẽ bí bách, ngột ngạt, vào mỗi buổi chiều mát, vợ chồng chị Phạm Tuyết Nhung cho con đạp xe quanh khuôn viên chung cư nơi gia đình sống. Trong suốt quá trình đạp xe, chị Nhung cho con gái đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách với mọi người xung quanh.
"Thường xuyên cùng con tham gia các hoạt động tại nhà ảnh hưởng không nhỏ đến công việc kinh doanh của tôi. Tuy nhiên, để con có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh giữ mùa Covid-19, vợ chồng cũng động viên nhau cố gắng. Hy vọng tất cả người dân đồng lòng cùng Chính phủ để sớm đẩy lùi được dịch bệnh, các hoạt động vui chơi giải trí trở lại để con trẻ có được điều kiện phát triển toàn diện", chị Nhung nói thêm.
Chị Trần Huyền Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) có cô con gái 7 tuổi chia sẻ, việc chỉ quanh quẩn ở nhà với bố mẹ, không có bạn bè chơi cùng, không được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở bên ngoài như trước khiến con cảm thấy chán và nhiều khi có biểu hiện bực bội, khó chịu.
"Tìm hiểu thông tin trên mạng, tham khảo ý kiến của chuyên gia, tôi đã mua thêm đồ chơi, sách, truyện và đăng ký cho con một số lớp học online. Bên cạnh đó, khuyến khích con chơi những trò chơi vận động như cầu lông, nhảy dây trong khuôn viên nhà... để nâng cao sức khỏe và phòng chống dịch bệnh", chị Trang nói.
Thực tế hiện nay, con đang nghỉ trong khi bố mẹ vẫn phải xoay vần trong guồng quay công việc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, các cơ sở đào tạo kỹ năng sống cho trẻ... ở nhiều địa phương đều tạm dừng, khiến áp lực tìm chỗ giữ trẻ trở thành nỗi lo thường trực của nhiều bậc cha mẹ.
PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: "Trẻ ở các độ tuổi khác nhau sẽ có nhu cầu khác nhau. Ví dụ trẻ trong giai đoạn tiểu học và trung học cơ sở có hoạt động chủ đạo là học tập và vui chơi, trong đó hoạt động vui chơi sẽ góp phần hình thành nên rất nhiều năng lực như vận động, tương tác xử lý, giải quyết các tình huống sáng tạo trong cuộc sống… Tham gia các hoạt động vui chơi là cách thức để cân bằng sức khỏe tinh thần, tạo nên sự hứng khởi để tiếp tục các hoạt động thiên về tư duy.
Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, xã hội bước vào thời kỳ giãn cách, các hoạt động trong môi trường xanh, thoáng đãng, có sự kết nối giữa bạn bè của trẻ bị hạn chế. Điều này được nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chúng ta bị cắt khỏi môi trường xanh, môi trường xã hội lớn hơn 14 ngày sẽ dẫn đến các nguy cơ như giảm sự khỏe khoắn về mặt thể chất, có nhiều hơn trạng thái tâm lý bực bội - nền tảng cho những ứng xử không thân thiện".
Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng các bậc phụ huynh cần đưa ra nhiều hình thức nhằm tạo ra sự tương tác trong thời gian này, đơn cử như dạy trẻ làm việc nhà, tạo ra các hoạt động thể thao trong gia đình, tham gia các lớp kỹ năng sống, khoa học, ngoại ngữ… trực tuyến trên mạng xã hội.
"Nếu nhìn theo hướng tích cực, đây là cơ hội để nhiều gia đình đang có sự xa cách về mặt tình cảm có thể kết nối lại giao tiếp cảm xúc giữa bố mẹ và con cái", PGS.TS. Trần Thành Nam chia sẻ thêm.
Tin nổi bật
Tin Video