Đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và 7 bị can khác về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3, Điều 356 - Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, hành vi của nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng dàn lãnh đạo Công ty BMS và đơn vị thẩm định giá đã dẫn đến hậu quả là làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng và gây bức xúc trong dư luận.
Theo kết luận điều tra, tháng 7/2009, Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Với lý do phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân từ các cơ sở y tế khác về khám, điều trị nhằm phát triển thương hiệu cho bệnh viện và tăng thu nhập cho người lao động, Nguyễn Quốc Anh đã cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu.
Biết chủ trương phát triển ngoại khoa của Bệnh viện Bạch Mai, tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) đến gặp Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp cho Bệnh viện Bạch Mai hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng đối với robot Rosa và 44 tỷ đồng với robot Mako.
Sau khi gặp gỡ, Nguyễn Quốc Anh đề nghị Tuấn làm đề án liên doanh, liên kết để đặt máy tại bệnh viện, thủ tục và thẩm quyền sẽ do Bạch Mai quyết định, còn giá máy thì chỉ cần có chứng thư thẩm định để hợp thức hóa và Công ty BMS chịu trách nhiệm liên hệ với đơn vị thẩm định giá.
Qua vài lần trao đổi, Nguyễn Quốc Anh và phía Công ty BMS thống nhất về việc doanh nghiệp này không bán các hệ thống robot cho Bệnh viện Bạch Mai mà tham gia liên doanh, liên kết lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, sau khi thống nhất hình thức liên kết và giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, Nguyễn Quốc Anh đã phân công cho cấp dưới hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Còn Phạm Đức Tuấn chỉ đạo nhân viên trao đổi, liên hệ và thông đồng với Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty VFS) và Phan Minh Dung (Tổng Giám đốc Công ty VFS) hợp thức hóa chứng thư thẩm định giá robot.
Trong quá trình triển khai Nguyễn Quốc Anh và một số cựu cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Nhóm bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp đã thỏa thuận cấp chứng thư xác định giá robot Rosa là 39 tỷ đồng trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty BMS lắp đặt robot để thu tiền của người bệnh.
"Hành vi của các bị can làm tăng chi phí khám chữa bệnh, khiến bệnh nhân phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng", kết luận điều tra nêu rõ.
Trong vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đánh giá Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính trong việc gây thiệt hại cho người bệnh nhưng lại làm lợi cho Công ty BMS và nhóm lợi ích của Bệnh viện Bạch Mai. Các bị can còn lại đã giúp sức cho cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.