Đề nghị hủy 2 quyết định giảm án tù cho Phan Sào Nam
VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam là không có căn cứ, cần phải hủy bỏ.
VKSND Cấp cao tại Hà Nội vừa kháng nghị giám đốc thẩm quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online, một trong 2 người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh).
Theo bản án phúc thẩm đầu năm 2019, Phan Sào Nam bị tuyên 5 năm tù về 2 tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Quá trình thi hành án, TAND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tổng cộng 22 tháng 7 ngày đối với phạm nhân Phan Sào Nam. Ngày 6/2, Nam ra tù.
Tuy nhiên, VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định 2 quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không có căn cứ và đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 quyết định này.
Viện dẫn luật hiện hành và Thông tư liên tịch số 02/2013, viện kiểm sát cho biết phạm nhân lĩnh án 5 năm được giảm án khi chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề xếp loại thi đua từ khá trở lên.
Tuy nhiên, Phan Sào Nam chỉ được xếp loại khá quý III/2019, còn quý IV/2019 xếp loại trung bình.
Ngoài ra, kết quả xác minh của VKSND Tối cao xác định trong quá trình giam giữ, không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên Lê Văn Kiên về nước đầu thú như văn bản của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ. Điều tra viên và cán bộ điều tra không biết Phan Sào Nam tác động đến gia đình đối tượng truy nã, cũng không có tài liệu xác định quá trình giam giữ, Phan Sào Nam đã gửi thư ra ngoài để vận động đầu thú.
Như vậy, văn bản xác nhận Phan Sào Nam lập công là không có căn cứ. Do đó, việc Trại giam Quảng Ninh đề nghị Hội đồng xét duyệt giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Phan Sào Nam với tình tiết đặc biệt “lập công” là không đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Hà Nội còn thể hiện Phan Sào Nam không đủ điều kiện để được xếp loại khá vì không tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Theo tài liệu của viện kiểm sát, tài khoản của Phan Sào Nam và vợ tại Ngân hàng DBS Singapore có số dư hơn 5 triệu USD. Làm việc với cơ quan điều tra về việc gia hạn phong tỏa tài khoản này, Phan Sào Nam đều phản đối việc tiếp tục phong tỏa tài khoản. Khi làm việc với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ, Phan Sào Nam cũng không đồng ý, không tự nguyện khấu trừ số tiền 5,3 triệu USD để thi hành phần nghĩa vụ hơn 155 tỷ đồng còn lại theo quyết định của bản án.
Hiện nay, Nam còn hơn 253.000 SGD tại ngân hàng DBS Singapore nhưng không khai báo, không tự nguyện, chủ động khấu trừ số tiền này.
Trong quyết định kháng nghị, viện kiểm sát thấy Trại giam Quảng Ninh xếp loại thi đua cho Phan Sào Nam căn cứ đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn của bà Phan Thu Nga (mẹ của phạm nhân Phan Sào Nam). Tuy nhiên, kết quả xác minh tại UBND phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM cho thấy gia đình Nam không thuộc diện hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn.
Do quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù ngày 29/4/2020 không có căn cứ, dẫn đến quyết định ngày 04/02/2021 (để Phan Sào Nam ra tù ngày 6/2) cũng không đủ điều kiện.
Theo bản án phúc thẩm, các ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) "chống lưng" cho đường dây đánh bạc Rikvip/Tip.clib do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) điều hành.
Sau 28 tháng vận hành, đường dây này đã thu về khoảng 10.000 tỷ đồng (chưa thống kê hết), nhóm điều hành game bài hưởng lợi 4.700 tỷ đồng.
Sau khi được hưởng lợi thu lời bất chính hơn 1.475 tỷ đồng từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Nam đã chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền.
Tin nổi bật
Tin Video