Để lộ thông tin cá nhân, trách nhiệm thuộc về ai?
(VOVTV) - Thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác đã liên tiếp xảy ra những vụ lừa đảo chuyển tiền với kịch bản “con đang bị tai nạn”. Điều đáng chú ý là trong các vụ lừa đảo, thông tin của cả phụ huynh và học sinh đều rất khớp nhau. Câu hỏi đặt ra là từ đâu mà bọn lừa đảo có được nguồn thông tin chính xác như vậy? Phải chăng vấn đề bảo mật thông tin cá nhân ở nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế?
Với những kịch bản giống nhau, xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn, nhiều phụ huynh ở TP.HCM và một số địa phương khác đã nhanh chóng trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo khi rơi vào bẫy “con đang bị tai nạn cấp cứu”, để rồi mất từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân bị lộ thông tin cá nhân có thể do lỗ hổng bảo mật các phần mềm sử dụng trên môi trường mạng, do cơ quan, doanh nghiệp thu thập thông tin làm lộ lọt hoặc bán lại cho các cá nhân...
Trong khi cơ quan cảnh sát điều tra đang tích cực vào cuộc để làm rõ nguyên nhân để lộ lọt thông tin cá nhân, thì các cơ sở giáo dục cũng nhanh chóng có những cảnh báo gửi đến phụ huynh học sinh. Đối với các nhà trường, đây cũng là dịp nhìn lại công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo mật thông tin cá nhân của học sinh. Tại ngôi trường này, từ năm 2011, khi triển khai chương trình số hóa học đường, nhà trường đã luôn đặt việc bảo mật thông tin của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên lên hàng đầu.
Trong bối cảnh việc bảo mật thông tin cá nhân vẫn còn nhiều lỏng lẻo dẫn đến tình trạng nhiều thông tin cá nhân bị lộ lọt, thậm chí bị rao bán như một món hàng, thì mỗi người phải tự tìm cách bảo vệ thông tin của cá nhân và gia đình mình; các nhà trường cần đánh giá lại quy trình bảo mật thông tin của học sinh; và hơn cả, chúng ta cần có những giải pháp bảo mật thông tin cá nhân cũng như có những chế tài xử lý một cách chặt chẽ để ngăn chặn những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai./.
Tin nổi bật
Tin Video