Để di sản Nhã nhạc Cung đình Huế lan tỏa, thăng hoa
(VOVTV) - Năm nay, tròn 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình, di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hai thập kỷ qua, tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình nghệ thuật đặc biệt này gắn với phát triển du lịch
Duyệt Thị Đường - nhà hát cổ gần 200 năm tuổi ở Đại nội, Quần thể Di tích Cố đô Huế thường xuyên mở cửa phục vụ du khách. Đây từng là nơi biểu diễn những bộ môn nghệ thuật sân khấu phục vụ vua, hoàng gia, các đình thần và thượng khách nước ngoài có quan hệ với triều đình nhà Nguyễn…
Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khôi phục, trở thành điểm hấp dẫn du khách khi đến tham quan Di sản Văn hoá Thế giới- Quần thể Di tích Cố đô Huế. Du khách được thưởng thức các điệu múa cổ, nhiều trích đoạn tuồng cổ, đặc biệt là Nhã nhạc Cung đình với các bản trình tấu nổi tiếng: Trống Thái Bình, Tam luân cửu, Phú lục dịch, Kim tiền; Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng…
Chị Hoàng Thu Trang, du khách Hà Nội tỏ ra phấn khích khi được ngồi trong không gian của Nhà hát Duyệt Thị Đường xem các nghệ sĩ trình diễn: “Được thưởng thức Nhã nhạc Cung đình Huế ngay trong không gian nhà hát Duyệt Thị Đường như thế này rất là tuyệt vời. Khi nghe âm nhạc trong chính môi trường, bối cảnh của nó thì người ta mới cảm nhận được một cách sâu sắc, xúc cảm sẽ dâng trào hơn, trọn vẹn hơn. Không phải ai cũng có thể cảm nhận được thể loại nhạc này, tuy nhiên khi được thưởng thức Nhã nhạc trong không gian như thế này như đưa du khách ngược dòng thời gian, hòa mình vào các giai điệu, cuộc sống vua, chúa ngày xưa”.
Dòng nhạc cung đình triều Nguyễn là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả nghệ thuật biểu diễn.
Nghệ sỹ Hoàng Tuấn, 45 tuổi, bén duyên với nghệ thuật hơn 30 năm, hiện là nhạc công nhiều năm gắn bó với nhà hát Duyệt Thị Đường. Anh đã từng tham gia rất nhiều buổi trình diễn, mang Nhã nhạc Cung đình đến với khán giả, du khách. Mỗi lần tham gia biểu diễn cùng anh em nghệ sĩ, trong anh luôn dâng trào cảm xúc.
“Điều tự hào nhất trong các buổi biểu diễn của tôi ở nhà hát không phải là dưới ánh đèn rực rỡ, trong bộ trang phục đẹp mà là hàng ngày được vang lên những giai điệu Nhã nhạc đến với người nghe. Qua đó, mọi người cảm thấy rung động, hiểu được tinh thần của Nhã nhạc trong từng giai điệu, tinh thần của người Việt, âm nhạc Việt Nam, âm nhạc truyền thống và các loại hình diễn xướng Cung đình Huế” - Nghệ sĩ Hoàng Tuấn bộc bạch.
Nhã nhạc Cung đình hình thành và phát triển theo từng giai đoạn qua các triều đại Lý - Trần. Đến thời nhà Nguyễn, Nhã nhạc Cung đình được kế thừa, phát triển rực rỡ, phong phú hơn cả về thể loại, đề tài và số lượng. Qua hàng trăm năm, Nhã nhạc Cung đình được lưu truyền, bảo tồn dưới các hình thức như dàn nhạc, ca chương, bài bản, vũ khúc… được trình diễn trong các nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ người dân và du khách trong các dịp lễ, Tết, các kỳ Festival, lễ hội…
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Trọng Cương cho hay, ngày nay Nhã nhạc Cung đình có điều kiện và không gian diễn tấu phong phú. Những giá trị nghệ thuật độc đáo của Nhã nhạc được các lớp nghệ nhân, nghệ sỹ không ngừng nỗ lực, giữ gìn, lưu truyền và phát huy.
“Từ chỉ đạo của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đặc biệt là việc làm sống lại không gian diễn xướng vốn ngày xưa từng diễn ra ở Đại Nội nói riêng và các lăng vua nói chung, chúng tôi trình diễn Nhã nhạc trong không gian Đại Nội. Từ đó, khách tham quan du lịch hiểu biết thêm hồn cốt của nhã nhạc ngày xưa như thế nào. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục duy trì từ những bài bản đã được phục hồi, làm hồ sơ khoa học đưa ra trình diễn. Khách tham quan di tích sẽ thấy sống động hơn khi nhìn thấy được những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể” - Nghệ sĩ Hoàng Trọng Cương nói.
Các lớp nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công Nhà hát Cung đình Huế không ngừng nỗ lực sưu tầm, phục hồi và phát huy các loại hình Nhã nhạc, múa Cung đình, tuồng Cung đình… Từ các nguồn tư liệu, các nghệ nhân, nguồn tư liệu “sống”, đến nay, đơn vị đã lập hơn 20 hồ sơ gồm các bài bản trong hệ thống Nhã nhạc, múa Cung đình, tuồng Cung đình… Nhiều gia đình nghệ nhân có 4 đời gắn bó với Nhã nhạc. Nhiều lớp diễn viên là con cháu của các nghệ nhân xưa hiện đang công tác, gắn bó với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. Dân gian có câu: “Thầy già, con hát trẻ”, lối truyền dạy của người xưa vẫn còn nguyên giá trị.
Nghệ sĩ Nhân dân Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế luôn tin tưởng các thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp bước xứng đáng lớp người đi trước. Bà cho hay: “Thực tế, nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân lớn tuổi qua đời, đây là những khó khăn, nhân chứng sống bây giờ rất ít. Khi được UNESCO công nhận thì chúng tôi đã lường trước được việc này. Tre già, măng mọc, lúc đó, các anh, chị đi trước khoá của tôi cũng đã từng suy nghĩ để đào tạo các diễn viên trở thành các nghệ nhân, nghệ sỹ. Đến nay, trong nhà hát, họ có thể thay mặt các cô thầy để truyền bá cho các thế hệ trẻ. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn giữ gìn được Nhã nhạc Cung đình Huế”.
Hai thập kỷ qua, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, nghệ nhân chung tay bảo tồn, phát huy giá trị, đưa Nhã nhạc Cung đình đến gần hơn với công chúng và du khách. Đây là một trong những tiêu chí được UNESCO đánh giá cao trong công tác bảo tồn và phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế.
“Hướng sắp tới, chúng ta không chỉ đầu tư cho môi trường diễn xướng nhiều hơn cho Nhã nhạc mà cần phải quan tâm công tác đào tạo để có đội ngũ kế thừa và nâng cao trình độ của các nghệ nhân, nghệ sỹ Nhã nhạc để họ đạt đến trình độ mà ông cha ta đã từng có. Chúng ta cần có những cơ chế, chính sách bồi dưỡng những tài năng, tăng cường sự giao lưu, hợp tác quốc tế để đưa Nhã nhạc không chỉ đóng khung ở Việt Nam mà còn phải được diễn xướng, trình diễn ở nhiều môi trường quốc tế phù hợp với loại hình âm nhạc đặc biệt này” - ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
Nhã nhạc cung đình Huế đang được lưu truyền trong đời sống một cách rộng rãi với nhiều hình thức diễn xướng trong các lễ hội, các nghi thức truyền thống, biểu diễn tại các chương trình âm nhạc... Trang nghiêm mà gần gũi, dân dã, Nhã nhạc Cung Đình là niềm tự hào của người dân xứ Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung. Lặng thầm và say mê, các nghệ nhân, nghệ sĩ xứ Huế đang miệt mài để Nhã nhạc Cung đình Huế lan tỏa, thăng hoa./.
Tin nổi bật
Tin Video